VCCI:

Luật thuế Tài nguyên "làm khó" doanh nghiệp chế biến khoáng sản

12/01/2021, 10:45

TCDN - Vấn đề bất cập của pháp luật về thuế tài nguyên không chỉ dừng lại ở xung đột về mức thu thuế mà còn nằm ở cách tính thuế và sự ổn định của pháp luật thuế khiến cho ngành công nghiệp khai thác, đặc biệt là chế biến khoáng sản khó phát triển.

Ngày 12/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020".

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay, vấn đề bất cập của pháp luật về thuế tài nguyên đã được các doanh nghiệp phản ánh từ lâu.

Theo báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020, theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên, giá tính thuế không chỉ bao gồm giá trị của tài nguyên khai thác lên khỏi mặt đất, mà còn bao gồm cả giá trị được tạo ra từ các hoạt động sàng, tuyển, làm giàu, sản xuất, chế biến. Cách xác định giá tính thuế này khiến các doanh nghiệp có động lực chuyển các hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng, thậm chí chế biến khoáng sản ra nước ngoài để né thuế.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 với nhiều nội dung góp ý chính sách chất lượng.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 với nhiều nội dung góp ý chính sách chất lượng.

“Vô hình trung, chính sách thuế như vậy khiến các doanh nghiệp càng thực hiện việc sáng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng tại Việt Nam thì càng phải mất nhiều tiền thuế hơn so với thực thiện các công đoạn này ở nước ngoài”, báo cáo nêu rõ.

Thêm vào đó, pháp luật thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Quy định này được suy đoán nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hóa đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch.

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, về bản chất đây là hoạt động chuyển giá. Việc chống chuyển giá là điều cần thiết nhưng có nhiều cách để làm điều này. Cách làm phổ biến trên thế giới là yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh giá của giao dịch tương ứng với giá của các giao dịch độc lập khác. Việt Nam đã áp dụng cách này từ năm 2017 để chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với thuế tài nguyên thì vẫn áp dụng cơ chế ấn định giá tính thuế. Quan trọng hơn, thẩm quyền ấn định giá tính thuế lại thuộc về UBND tỉnh. Với cơ chế UBND cấp tỉnh ban hành giá tính thuế tối thiểu như hiện nay thì càng làm gia tăng rủi roc ho các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản.

Loạt báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh là sáng kiến của VCCI, nhằm điểm lại những nét nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam định kỳ hàng năm. Chủ đề của báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 là Khung khổ pháp lý cho kinh tế số và cập nhật những cải cách trong Các quy định về điều kiện gia nhập thị trường.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kinh doanh và những nghiên cứu chuyên sâu. Báo cáo hướng tới độc giả là các cơ quan quản lý nhà nước cả ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo những người quan tâm đến pháp luật kinh doanh.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Luật thuế Tài nguyên "làm khó" doanh nghiệp chế biến khoáng sản tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tĩnh Gia, Thanh Hóa: 'Đất tặc' lộng hành, thất thu thuế tài nguyên
Thời gian qua, nhiều khu vực trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, hanh Hóa xảy ra tình trạng khai thác đất, đá trái phép nhưng chính quyền sở tại lại không nắm rõ, gây thất thoát tài nguyên, ngân sách nhà nước và kéo theo nhiều hệ lụy khác như đường sá bị hư hỏng, xuống cấp...