Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15

18/12/2023, 11:23
báo nói -

TCDN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế VAT (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28, xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28.

Về dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Luật Thuế VAT được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi thành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 05 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế VAT; Hoàn thiện quy định về cách tính thuế VAT; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế VAT; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế VAT đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế VAT.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2024 đối với dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế VAT. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế… nên cần phải chủ động để tính toán tổng thể thuế gồm các luật về các loại thuế và Luật Quản lý thuế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng có gì làm nấy dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Về Luật Thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT nhất là đối với nông sản. Trước đây làm rất kĩ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này. Không thể vì gian lận ở 1 bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa. Trong khi đó trong chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này.

Ngoài ra, về thuế VAT của thủy điện, nếu phân bổ thuế là không đúng bản chất. Thuế VAT đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cần được rà soát để sửa đổi. Vấn đề về phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế. Quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế. Hoàn thuế VAT cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, cho hay, đối với Luật Thuế VAT, hiện các vụ án lớn cho thấy sơ hở pháp luật đang diễn ra, do vậy Bộ Công an sẽ làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết nối dữ liệu của doanh nghiệp và dữ liệu thuế, cùng với dữ liệu dân cư sẽ đáp ứng được băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật điều chỉnh thuế suất và điều chỉnh mặt hàng từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT và ngược lại tăng hay giảm thuế suất… sẽ ảnh hướng rất lớn đến nền kinh tế. Và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Hầu hết các nước đều dùng thuế VAT, tuy nhiên tên gọi có thể khác nhau, phạm vi các mặt hàng gọn hơn phạm vi các mặt hàng đánh thuế VAT ở Việt Nam.

Đối với các vấn đề cụ thể, VAT đối với các dự án đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện dự kiến sẽ đưa vào dự thảo Luật này. Đối với phân bón, dự kiến cũng sẽ đưa vào và luật hóa các nội dung cũng như điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng.

Thay mặt Bộ Tài chính và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và tiếp tục làm kỹ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự án Luật này, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động, phân tích ưu điểm, hạn chế, điều chỉnh chính sách đối với các mặt hàng cụ thể.

Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế VAT (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Về tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại 1 Kỳ họp.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Năm 2024 có thể xem xét, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi)...
Tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT
Bộ Tài chính cho biết, đối với thuế GTGT sẽ mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình.
'Nên thu gọn các đối tượng chịu thuế GTGT'
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) kiến nghị, cần thu gọn lại các đối tượng chịu thuế GTGT với các tiêu chí rõ ràng để đảm bảo tính liên hoàn của chính sách thuế cũng như tạo thuận lợi cho người nộp thuế.