Lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp

20/11/2024, 11:18
báo nói -

TCDN - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo ngày 20/11, các đại biểu đồng tình với việc lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp vì trách nhiệm của nhà giáo với việc phát triển ngành giáo dục nước nhà có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Góp ý về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.​

Đại biểu Dương Khắc Mai.

Đại biểu Dương Khắc Mai.

Trong khi đó, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu Thủy cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Phản hồi về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.

Đối với chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ đề nghị chưa xem xét tăng lương khu vực công năm 2025
Tại báo cáo đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027, Chính phủ trình Quốc hội chưa xem xét tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2025.
Mức lương cao nhất của lãnh đạo DNNN có thể là 160 triệu đồng/tháng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự tính, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Chủ tịch Hội đồng quản trị được đề xuất cao nhất ở mức 80 triệu đồng/tháng - 160 triệu đồng cho những doanh nghiệp thuộc mức 1, nhóm 1 - tập đoàn, tổng công ty kinh tế.
Bài 5: Tính toán 3 nguồn chi lương, thưởng cho người đại diện chủ sở hữu
Để đảm bảo nguồn chi lương, thưởng cho người đại diện chủ sở hữu vốn, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tính toán 3 tình huống, gồm: lợi nhuận sau thuế, Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.