Lưu ý về hóa đơn điện tử, kê khai thuế với các cơ sở giáo dục công lập
TCDN - Cục Thuế Hà Nội vừa có hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn cập nhật chính sách thuế qua các thời kỳ và thực hiện kê khai, nộp thuế VAT, TNCN, TNDN đối với khoản thu từ học phí chính quy và các khoản thu khác theo đúng quy định của pháp luật thuế.
Phương pháp khai thuế
Cục Thuế Hà Nội lưu ý các trường chưa đăng ký phương pháp kê khai thuế VAT, TNDN thì thực hiện khai bổ sung phương pháp kê khai trên mẫu Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế (Mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính) theo quy định.
Để đảm bảo các trường thực hiện kê khai nộp thuế theo đúng quy định pháp luật, trong thời điểm hạn nộp quyết toán thuế năm 2023 đang cần kề, Cục Thuế Hà Nội lưu ý, tại điểm d, điểm đ Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 quy định:
“Điều 2. Người nộp thuế
1. Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
…d) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam...
Điều 3. Thu nhập chịu thuế
1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này...”
Một số quy định về giá dịch vụ đào tạo như sau:
- Tại khoản 3 Điều 19 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 (hiệu lực từ ngày 01/01/2013) quy định: “Điều 19. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá:
…3. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định như sau:
….c) Định khung giá và mức giá cụ thể đối với:
…- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước;”
- Căn cứ Khoản 1, Điều 30 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:
“1. Nguồn tài chính
- Nguồn từ ngân sách nhà nước cấp kinh phí
- Nguồn từ thu học phí;
- Nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác: Thu từ dịch vụ nội trú, hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, cho thuê mặt bằng, bán giáo trình, thu lãi tiền gửi, thanh lý tài sản …”
- Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định:“ 1. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: học phí (theo các cấp học và trình độ đào tạo) và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo …”
- Căn cứ Điều 99, Luật giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 quy định: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo”.
Căn cứ các quy định trên, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (bao gồm học phí chính quy) thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về phương pháp kê khai thuế TNDN và hồ sơ khai thuế, theo Cục Thuế Hà Nội có 2 phương pháp kê khai thuế TNDN như sau: Kê khai theo phương pháp doanh thu - chi phí: Áp dụng đối với đơn vị xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh. Mẫu Tờ khai: Kê khai theo Mẫu số 03/TNDN.
Kê khai theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ: Áp dụng đối với đơn vị xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.
Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%. Mẫu Tờ khai: Kê khai theo Mẫu số 04/TNDN.
Hồ sơ khai thuế và quyết toán thuế
Về hồ sơ khai thuế, Cục Thuế Hà Nội dẫn chứng, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: “2. Hồ sơ khai thuế tương ứng với từng loại thuế, người nộp thuế, phù hợp vơi phương pháp tính thuế, kỳ tính thuế (tháng, quý, năm, từng lần phát sinh hoặc quyết toán). Trường hợp cùng một loại thuế mà người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh thì thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế...”
Căn cứ quy định nêu trên, các khoản thu của các trường (học phí chính quy, liên doanh liên kết, các dịch vụ khác…) phải thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế với cùng một phương pháp kê khai thuế.
Thời hạn nộp thuế và nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN: Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Đơn vị gửi hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023, nộp số thuế TNDN còn phải nộp sau quyết toán chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (ngày 01/04/2024).
Về kê khai thuế VAT, căn cứ Khoản 3, điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong trường hợp chỉ có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
Như vậy, nếu cơ sở giáo dục chỉ có khoản thu thuộc đối tượng không chịu thuế VAT như thu từ học phí đào tạo thì đơn vị thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế VAT.
Tuy nhiên, theo Cục Thuế Hà Nội, trên thực tế các trường có thể có nhiều các khoản thu khác nhau, trong đó có các khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Do đó đề nghị các trường lưu ý: Trong trường hợp ngoài khoản thu từ học phí, nếu đơn vị phát sinh các khoản thu khác chịu thuế VAT thì đơn vị vẫn phải kê khai thuế VAT. Trong đó khoản thu từ học phí được kê khai vào chỉ tiêu doanh thu không chịu thuế trên Tờ khai thuế VAT.
Thời hạn quyết toán thuế TNCN: đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập là ngày 01/04/2024.
Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân là ngày 02/5/2024.
Về việc sử dụng hóa đơn điện tử
Các cơ sở giáo dục thực hiện lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm xuất hóa đơn điện tử cho học sinh, sinh viên tương ứng với mỗi lần thu học phí.
Thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền. Học sinh sinh viên thường đóng học phí vào đầu năm học hoặc đầu học kỳ thì thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm thu tiền (Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020).
Trường hợp vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính Phủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899