"Ma trận" thị trường đồng hồ giả, kinh doanh trốn thuế VAT?
TCDN - Hàng loạt cửa hàng đồng hồ cao cấp như Rolex, Omega, Vacheron Constantin, Tissot, … kinh doanh cạnh tranh loạn giá trên các phố lớn, nhưng chất lượng thì có "trời" mới biết vì đa số mặt hàng này đều xách tay, không xuất được hóa đơn VAT?
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giao dịch hàng nhái trên thế giới trị giá tới 462 tỷ USD một năm và dự báo sẽ tăng lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Cũng theo một số liệu khảo sát mới đây, có trên 80% đồng hồ đeo tay tại Việt Nam là hàng giả, trong đó, có tới gần 70% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có thể thấy, hiện nay tình trạng hàng giả, nhái đang ở mức “báo động đỏ” và đã trở thành quốc nạn với những hệ lụy khó lường.
Cụ thể, người tiêu dùng Việt chỉ cần gõ thao tác đơn giản tìm kiếm đồng hồ Rolex trên Google, chỉ 0,54s đã cho ra kết quả tìm kiếm hơn 2.300.000 (hai triệu ba trăm nghìn kết quả). Thương hiệu được đưa lên hàng đầu là Đăng Quang Watch với giá cả cực cạnh tranh chỉ từ 3 triệu đến 4 triệu đồng một sản phẩm, chênh gần 30 lần so với sản phẩm Boss Luxury trên cùng trang tìm kiếm?.
Tại Hà Nội, ở những khu chợ như Đồng Xuân, Phùng Khoang hay Nhà Xanh,… rất nhiều đồng hồ gắn nhãn các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán với giá rẻ bất ngờ. Tại đây, khách hàng hoàn toàn có thể sở hữu những chiếc đồng hồ danh tiếng như Rolex, Omega, Longines, Tissot, Citizen hay Casio, Seiko… giá chưa đến 1 triệu đồng.
Chủ cửa hàng tại quầy chợ Nhà Xanh cho biết: "Khách hàng muốn chọn đồng hồ nào ở đây cũng có, từ Rolex, Omega đến Piaget, Longines…, mua lẻ thì 600 nghìn một chiếc. Đồng hồ Omega có rất nhiều người đeo, đảm bảo y như hàng thật!”. Khi hỏi về xuất xứ, nguồn gốc thì chủ cửa hàng xua tay trả lời: "Với giá đó thì lấy đâu nguồn gốc xuất xứ giấy tờ hả em, em có vào chính hãng cũng vẫn mua phải hàng nhái như thường nhé!".
Để tìm hiểu thêm, PV đã dạo qua một loạt các cửa hàng lớn, có thương hiệu tại Hà Nội như: Đăng Quang Watch, T-Swatch (4/189 Nguyễn Ngọc Vũ), Turbo Watch (219 Nguyễn Ngọc Vũ), Phan Gia Luxury (399 Ngọc Lâm), Milolex (80 Đông Các), Đồng hồ 6666 (201 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân)...
Theo đó, nhân viên tại các cửa hàng này vô cùng tinh ý khi nhanh chóng giới thiệu cho PV hàng loạt các sản phẩm đồng hồ thương hiệu có giá từ bình dân đến cao cấp tùy nguồn gốc và chất lượng.
Thấy PV lo lắng về chất lượng thật giả của sản phẩm, nhân viên đã vội vàng trấn an và nói khách hàng hãy yên tâm vì sản phẩm này giống với hàng chính hãng 99%, nếu không phải dân chơi đồng hồ chuyên nghiệp chắc chắn sẽ không thể phát hiện...
Giá của những chiếc đồng hồ fake được các cửa hàng rao bán từ vài triệu cho đến vài trăm triệu. Với mức giá hấp dẫn, kiểu dáng thiết kế tương đồng với đồng hồ chính hãng, những cửa hàng này khiến cuộc cạnh tranh thị trường đồng hồ đeo tay mất cân bằng và những đơn vị kinh doanh hàng chính hãng gặp vô vàn khó khăn.
Sau khi lựa chọn được đồng hồ, phóng viên yêu cầu thanh toán và xuất hoá đơn giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, hầu hết nhân viên các cửa hàng đều tỏ ra bối rối và cho biết: “không thể xuất hóa đơn đỏ - VAT" như cửa hàng Đồng hồ 6666 (201 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) và T-Swatch (số 4/189 Nguyễn Ngọc Vũ).
Thậm chí, nhân viên tại Phan Gia Luxury (399 Ngọc Lâm) để thuyết phục PV mua hàng còn tư vấn có thể “chế hóa đơn” nếu khách hàng yêu cầu?.
Trong hội nghị tổng kết năm 2018, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã thẳng thắn chỉ ra rằng có đến 80-90% đồng hồ kinh doanh ở Việt Nam là hàng giả, hàng nhái. Đây hoàn toàn không phải là một con số võ đoán bởi ở những thành phố lớn như Hà Nội, hàng nhái hàng giả đã đổ bộ và chiếm lĩnh rất nhiều thị phần.
Với hơn 90 triệu dân, thị trường đồng hồ Việt Nam ước tính có quy mô khoảng 17 nghìn tỷ đồng (gần 750 triệu USD). Tuy nhiên, chính sự “cát cứ” của những đơn vị kinh doanh hàng nhái đã khiến thị trường này đang trải qua thời kỳ hỗn loạn về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Tại Hà Nội, các lực lượng chức năng và cơ quan quản lý thị trường đã liên tục phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh đồng hồ giả, kém chất lượng, được làm nhái với thủ thuật rất tinh vi. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của loại mặt hàng này vẫn đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.
Theo Luật sư Tạ Anh Tú - Công ty luật TNHH An Quốc Law hành vi kinh doanh “hàng xách tay” không xuất hóa đơn là có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. Chiếu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm:
“…
c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”
Chưa bàn đến chất lượng, bảo hành các dòng sản phẩm trên như thế nào nhưng việc bày bán điện thoại tại hàng loạt cửa hàng lớn trên có nhiều vấn đề cần làm rõ về thuế, nguồn gốc xuất xứ...
PV sẽ tiếp tục tìm hiểu, liên hệ tới Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Thuế Hà Nội… để phản ánh tới bạn đọc những thông tin mới nhất.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899