“Nở rộ” thị trường điện thoại xách tay, công khai trốn thuế

18/11/2019, 09:45

TCDN - Điện thoại xách tay có giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng đều không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn là tình hình kinh doanh chung tại hàng loạt cửa hàng điện thoại di động trên phố Thái Hà.

Chỉ còn vài tháng nữa đến Tết Nguyên đán, đây cũng là dịp để các cửa hàng điện thoại đi động bán lẻ nhập hàng với số lượng khủng để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa chi phí, đã từ nhiều năm nay hầu hết các cửa hàng đều nhập qua con đường nhập lậu với số lượng khủng mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm soát.

Điện thoại xách tay khác hàng chính hãng như thế nào?

Theo tìm hiểu của PV, điện thoại xách tay (ĐTXT) được cung cấp chủ yếu qua hai con đường cơ bản. Thứ nhất, nguồn hàng do những người đi máy bay mang từ nước ngoài về trong nước, hay còn gọi là hàng “bay” - nguồn này có từ những người thường xuyên phải ra nước ngoài du lịch, công tác, hoặc du học sinh…

Sát dịp tết thị trường điện thoại xách tay công khai hoạt động rầm rộ mà không bị cơ quan nào kiểm soát

Sát dịp tết thị trường điện thoại xách tay công khai hoạt động rầm rộ mà không bị cơ quan nào kiểm soát

Thứ hai, nguồn hàng được gửi qua đường chuyển phát nhanh quốc tế về trong nước. Hàng xách tay loại này hay được giới trong nghề gọi là hàng “ship”. Để ship được hàng về nước cũng có nhiều cách. Nếu người buôn có người thân ở nước ngoài, họ sẽ gom hàng từ bên đó rồi gửi về. Nếu không, “con buôn” trong nước sẽ tự tìm hiểu, liên hệ và giao dịch mua hàng trực tiếp với người bán từ nước ngoài qua các trang mạng.

Điện thoại chính hãng là những mẫu điện thoại hàng công ty được các hãng lớn uỷ quyền phân phối tại Việt Nam. Máy có thể lắp ráp ở nước ngoài rồi về Việt Nam bán tại các Shop lớn như các hãng lớn như Xiaomi, Meizu ... Hoặc lắp ráp tại Việt Nam.

Ở Việt Nam các máy của hãng Samsung gần như tự lắp ráp tại Samsung Thái Nguyên hoặc Samsung Bắc Ninh.

Tuy nhiên, giá ĐTXT và chính hãng khá cạnh tranh đặc biệt là về chất lượng và bảo hành, một sản phẩm xách tay có thể rẻ hơn hàng chính hàng từ 3 – 5 triệu đồng. Đây là lý do khiến người tiêu dùng đổ xô vào ĐTXT và đưa thị trường mặt hàng này hoạt động náo nhiệt trong thời gian qua.

Đột nhập thiên đường ĐTXT, bán mấy trăm con/ngày, không xuất được VAT

Để tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động kinh doanh của dòng ĐTXT, PV đã dành thời gian khảo sát một loạt các cửa hàng điện thoại có tiếng trên phố Thái Hà, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, HN. Con phố này được người tiêu dùng ví như thiên đường mua sắm hàng ĐTXT.

Không thể xuất được hóa đơn VAT, hoặc xuất sang một dòng máy chính hãng khác là chiêu trò hầu hết của các cửa hàng xách tay để bán được hàng

Không thể xuất được hóa đơn VAT, hoặc xuất sang một dòng máy chính hãng khác là chiêu trò hầu hết của các cửa hàng xách tay để bán được hàng

Theo quan sát từ PV, phố Thái Hà tập trung san sát các cửa hàng điện thoại, nhiều lời quảng cáo mời mua giá cả cạnh tranh, hậu mãi hấp dẫn. Có thể thấy gần như trên 90% các cửa hàng thương hiệu từ chính hãng lớn như FPT Shop, Thế giới di động... đến các ông lớn hàng xách tay như: Hoàng Hà Mobile, Tech One, CellphoneS, Click Buy... Tuy nhiên các ông lớn ĐTXT làm ăn như thế nào để cạnh tranh với hàng chính hãng là cả một nghi vấn đặt ra cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng.

Khi PV đề nghị xuất hóa đơn cho mặt hàng điện thoại xách tay trị giá nhiều chục triệu đồng, ngay lập tức nhân viên kế toán gật đầu và yêu cầu PV để lại thông tin xuất hóa đơn. Tuy nhiên sau cả tháng chờ đợi, hóa đơn mất hút dù PV đã liên hệ nhiều lần?

Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm hiểu một số dòng sản phẩm như: iPhone, Oppo, Samsung… giá từ 8-15 triệu tại một số cửa hàng điện thoại xách tay, PV đều ghi nhận các sản phẩm được nhân viên tư vấn đều là hàng xách tay và không thể xuất được VAT theo quy định pháp luật.

Thậm chí những sản phẩm có giá trị lớn như iPhone 11 Max Pro có giá gần 30 triệu cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ biết đây là hàng xách tay và có giá rẻ hơn hàng chính hãng gần 5 triệu đồng.

“Sản phẩm bên em là hàng xách tay nên mới có giá rẻ như vậy, còn anh chị mua hàng chính hãng sẽ đắt hơn nhiều, có khi tới 4-5 triệu, bên đó họ phải đóng cả thuế, bên em không mất thuế nên rẻ hơn” – Nhân viên tại Tân Tân Store, địa chỉ 91 Thái Hà tư vấn.

Tại các cửa hàng ĐTXT trên phố Thái Hà khác như Nam Á Store, Mobile City, Max Mobile... PV cũng ghi nhận tình trạng kinh doanh tương tự không hóa đơn, nguồn gốc như Tân Tân Store.

Tiếp tục ghi nhận thông tin tại Bảo Tuyết Mobile địa chỉ 18 Tây Sơn, Đống Đa, được quảng cáo trên website là Trung tâm SmartPhone chính hãng nhưng đích mục sở thị lại toàn hàng xách tay.

Khi PV có nhu cầu từ vấn dòng điện thoại iPhone 11, nhân viên cho biết tùy theo từng màu giá sẽ giao động chênh nhau 500 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng: “Em chọn màu nào, vào web Bảo Tuyết chọn, mỗi màu sẽ chênh nhau một chút, giá từ 18 đến 20 triệu một con”.

Tuy nhiên sau khi PV chọn màu nhân viên lại thông báo hết hàng, muốn mua đặt hàng chờ hàng về: “Ngày này bên anh cũng bán cả trăm con iPhone 11 này nên cháy hàng, hàng xách tay nên phải chờ người xách về, em muốn mua đăng ký đặt hàng vài hôm nữa có hàng anh gọi...”. – Nhân viên Bảo Tuyết tư vấn.

Ngoài iPhone 11, Bảo Tuyết Mobile còn bán hàng trăm sản phẩm điện thoại khác, với sức mua “khủng” từ một dòng như nhân viên tư vấn trao đổi có thể thấy số lượng rất lớn Bảo Tuyết nhập hàng về. Vậy nguồn hàng được kiểm định như thế nào lại là vấn đề lớn đặt ra cho cơ quan quản lý?

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh – VP Luật sư Đại Nam cho biết, các cử hàng bán điện thoại xách tay mà không có chứng từ nhập khẩu, không thông qua kê khai hải quan theo quy định của pháp luật thì được coi là hành vi buôn lậu trái pháp luật. Cụ thể Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về buôn bán hàng nhập lậu như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

...

7. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Tại sao những cửa hàng này vẫn cố tình vi phạm bán điện thoại xách tay bất chấp pháp luật cấm?. Phải chăng có “ bàn tay ngầm” bảo kê “bao sân” cho các cửa hàng thả phanh kinh doanh sai phạm luật?.

PV TCDN xin gửi nghi vấn tới cơ quan chức năng liên quan và tiếp tục đăng tải trong kỳ tới.

Bài 2: Lộ diện đơn vị xuất hóa đơn khống cho điện thoại xách tay

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết “Nở rộ” thị trường điện thoại xách tay, công khai trốn thuế tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Siêu thị Thành Đô bán hàng không xuất VAT, không rõ xuất xứ
Hàng loạt các siêu thị Thành Đô trên địa bàn Hà Nội bán hàng đều không xuất hóa đơn VAT cho khách. Siêu thị này còn bày bán rất nhiều sản phẩm như đồ chơi, đồng hồ, trang sức nhập khẩu nhưng đều không dán tem mác tiếng Việt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hàng loạt ông lớn thời trang 'lờ' nghĩa vụ thuế VAT
Không xuất hóa đơn VAT, hàng hóa không rõ nguồn gốc, giảm giá quá 50% quy định, không đăng ký thông báo hoạt động wesite thương mại điên tử... là những vi phạm đang tồn tại ở các ông lớn thời trang như: Nem, Viet Brothers, Genviet, Bò Sữa, Germe...