Siêu thị Thành Đô bán hàng không xuất VAT, không rõ xuất xứ

05/11/2019, 10:35

TCDN - Hàng loạt các siêu thị Thành Đô trên địa bàn Hà Nội bán hàng đều không xuất hóa đơn VAT cho khách. Siêu thị này còn bày bán rất nhiều sản phẩm như đồ chơi, đồng hồ, trang sức nhập khẩu nhưng đều không dán tem mác tiếng Việt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thời gian vừa qua chuyên đề “Trốn thuế - nợ thuế” mà TCDN đã phản ánh và ghi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía độc giả cũng như cơ quan chức năng. Tiếp tục tuyến bài trên, PV đã ghi nhận thêm nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật như siêu thị Thành Đô, siêu thị Deli Meat, Happy food.

Cụ thể siêu thị Thành Đô (Thanhdo mart) là một hệ thống các siêu thị bán lẻ có tới 15 địa điểm trên cả nước, tập trung nhiều hơn tại Hà Nội.

Theo phản ánh, Thanhdo mart không chỉ bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) mà còn bán nhiều mặt hàng không dán tem phụ tiếng việt, nguồn gốc xuất xứ.

75402077_530443567515140_3451769115901952000_n

Nhiều sản phẩm gia dụng, đồ chơi tại Thanhdo mart đều không dán tem phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Để xác minh các thông tin này, ngày 4/10 PV đã qua Thanhdo mart tại 25 Quan Nhân, Thanh Xuân để khảo sát. Theo quan sát, siêu thị bán hàng nghìn các mặt hàng từ thực phẩm, đồ uống đến gia dụng, chủ yếu nguồn gốc trong nước. Ngoài ra có một số mặt hàng nhập khẩu như bia, sữa… Nhiên nhiều sản phẩm không dán tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

PV đã lựa chọn mua một số sản phẩm như đường ăn kiêng, đường thốt nốt tại quầy thanh toán nhân viên quầy chỉ in phiếu thu cho khách hàng mà không phải hóa đơn VAT. Ngoài ra, PV phát hiện phía sau quầy thanh toán, Thanhdo mart còn bày bán rất nhiều trang sức, đồng hồ… không rõ nguồn gốc xuất xứ giá chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn.

Ngày 31/10, PV tiếp tục qua Thanhdo Mart tại 306 Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm để khảo sát, được biết đây là một hệ thống trung tâm kết hợp nhiều mặt hàng gồm 5 tầng.

Giống như mặt hàng tại các địa điểm khác, tuy nhiên theo quan sát Thanhdo mart Hồ Tùng Mậu có diện tích lớn hơn, số lượng hàng gấp nhiều lần so với điểm khác.

Sau khi khảo sát tâng một đa số bán thực phẩm, đồ uống thì tại tầng 2 Thanhdo mart bày bán đồ gia dụng, đồ chơi cho trẻ em. Tuy nhiên PV phát hiện đa số các mặt hàng tại tầng 2 đều là hàng nhập khẩu, đa số từ trung quốc nhưng không in tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Đặc biệt các mặt hàng đồ chơi có giá trị từ vài chục ngàn đế cả triệu cũng không có hướng dẫn sự dụng tem tiếng Việt hay nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Để xác minh về quy trình xuất hóa đơn của Thanhdo mart, PV đã mua một loạt sản phẩm với giá 338 nghìn đồng và đề nghị nhân viên thu ngân xuất hóa đơn. Sau đó nhân viên này đã yêu cầu PV để lại thông tin và báo sau 5 ngày sẽ có hóa đơn điện tự chuyển về địa chỉ email khách để lại.

Tuy nhiên đến nay đã quá  ngày, PV không hề nhận được bất kỳ thông tin nào về việc xuất hóa đơn điện tử như nhân vân thu ngân đã trao đổi.

Phải chăng Thanhdo mart đang cố tình đánh lừa khách hàng về việc xuất hóa đơn VAT?

Trao đổi với PV về việc này, Luật sư Nguyên Anh Tuấn (VPLS Đại Nam) cho biết, Bộ tài chính đã có Thông tư quy định về việc doanh nghiệp phải xuất hóa đơn VAT cho khách khi giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 200 nghìn đồng trở lên tại điểm b, khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/năm 2014/TT-BTC.

Cụ thể , khoản 2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…

b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”: ghi tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Luật sư Anh Quốc (Văn phòng Luật sư An Quốc) thông tin về các quy định tem nhãn phụ đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài: Chính phủ và các Bộ ban ngành đã xây dựng hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Cụ thể theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

Đối chiếu theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Với những thông tin và căn cứ pháp lý đã nêu trên có thể một phần cho thấy Thanhdo Mart và nhiều siêu thị khác đang kinh doanh trái quy định pháp luật.

Để làm rõ điều này, PV sẽ tiếp tục liên hệ các cơ quan chức năng, Thanhdo Mart để sớm có thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết Siêu thị Thành Đô bán hàng không xuất VAT, không rõ xuất xứ tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan