VEAM sống nhờ Honda, Toyota, Ford

17/11/2019, 19:46

TCDN - VEAM đang hoạt động thua lỗ ở mảng kinh doanh cốt lõi, có gần 15.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng; phụ thuộc vào kết quả SXKD của Honda, Toyota, Ford tại Việt Nam.

1-OOMW

Sống nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và công ty liên kết

TCT Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) công bố BCTC Quý 3/2019 với mức doanh thu, lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, cụ thể doanh thu thuần đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018. VEAM kinh doanh dưới giá vốn trong Quý 3/2019, lợi nhuận gộp âm 5 tỷ đồng.

Trong Quý 3/2019, VEAM có 254 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng và 1.655 tỷ đồng lãi từ các công ty liên kết. Nếu bóc tách khoản lãi từ các công ty liên kết và chênh lệch doanh thu chi phí từ hoạt động tài chính, VEAM sẽ lỗ 136 tỷ đồng trong Quý 3/2019.

VEAM_Anh1

Trái ngược với kết quả SXKD chính đang suy giảm và thua lỗ, VEAM đang có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khủng. Tại thời điểm 30/9/2019, VEAM có 680 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền; 14.254 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Tổng cộng, VEAM có 14.934 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, bằng 48,1% tổng tài sản.Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng lớn, 09 tháng đầu năm 2019 VEAM có doanh thu hoạt động tài chính là 623,6 tỷ đồng, tăng 145% so với 09 tháng năm 2018, trong đó 99,7% là lãi tiền gửi ngân hàng, lãi hỗ trợ vốn. VEAM đang gửi tiền nhiều nhất ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với số dư là 6.488 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 4.230 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – CN Hà Nội là 1.695 tỷ đồng. 03 ngân hàng này đang nắm giữ 83% lượng tiền gửi có kỳ hạn của VEAM.

VEAM_Anh2

Danh sách các công ty liên kết của VEAM đáng chú ý gồm có Công ty Honda Việt Nam (sở hữu 30%), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (sở hữu 20%), Công ty TNHH Ford Việt Nam (sở hữu 25%). Đây là “nồi cơm” chính tạo ra lợi nhuận cho VEAM, cũng là nguyên nhân để VEAM có thể tích lũy được lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lớn lên đến gần 15.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VEAM phụ thuộc vào lợi nhuận củaHonda, Toyota, Ford

VEAM hiện đang giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán là VEA và có kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm 2020. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/11/2019 tại mức giá 50.000 đồng/CP. Tại mức giá này, VEA hiện đang được giao dịch với mức P/E 9,1 lần - giá cổ phiếu đang giao trên thị trường (thị giá) gấp 9,1 lần lợi nhuận tính trên cổ phiếu 1 năm. Chỉ số P/B là 2,2 lần - thị giá cổ phiếu gấp 2,2 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu. Lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) 4 quý gần nhất và năm lần lượt là 5.466 đồng/CP và 5.276 đồng/CP.

Nguồn: vndirect.com.vn

Nguồn: vndirect.com.vn

Theo báo cáo phân tích phát hành ngày 16/11/2019, CTCK Bảo Việt (BVSC) duy trì khuyến nghị tích cực đối với VEA với mức giá mục tiêu một năm là 59.700 đồng/cổ phần. BVSC sử dụng kết hợp hai phương pháp (1) Chiết khấu dòng cổ tức (DDM, tỷ trọng50%) và (2) P/E (tỷ trọng 50%) để xác định.

Điểm cộng đối với cổ phiếu VEAM là tiềm năng tăng trưởng giá trị các khoản đầu tư và lợi nhuận đến từ các công ty liên kết từ Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam; kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm 2020 và lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lớn. Điểm trừ đối với VEAM là hoạt động SXKD chính thua lỗ, quản trị doanh nghiệp yếu kém và không có nhiều kỳ vọng tăng trưởng được SXKD chính trong tương lai gần.

Như vậy, có thể thấy điểm cốt lõi của cổ phiếu VEAM là hoạt động SXKD, tăng trưởng của Honda, Toyota, Ford tại Việt Nam. 03 công ty này đều có lĩnh vực kinh doanh chính là lắp rắp, sản xuất các loại xe, ô tô, phụ tùng, nhập khẩu ô tô...

Thị trường xe máy hiện nay đã bão hòa, không còn nhiều dư địa tăng trưởng cho Honda là đơn vị hiện đã chiếm gần 81% thị phần xe máy tại Việt Nam. Đối với thị trường ô tô, tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của hãng xe mới như Vinfast, xe nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các hãng xe hiện đang chiếm thị phần lớn trên thị trường như KIA, Huyndai, Mitsubishi, Mazda...

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Mitsubishi Xpander bán ra tới 2.629 xe trong tháng 10/2019, vượt Toyota Vios (doanh số bán hàng đạt 2.317 xe) trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong tháng 10/2019.

Như vậy, “Ông vua doanh số” Toyota Vios thống trị rất nhiều năm liên tục trên bảng xếp hạng đã bị hạ bệ bởi Mitsubishi Xpander. Giá xe ô tô cũng liên tục giảm dưới áp lực cạnh tranh giữa cả xe lắp ráp sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, điều này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới lợi nhuận gộp của các hãng xe ô tô. Do đó, việc kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty liên kết Honda, Toyota, Ford của VEAM trong năm 2020 là rất khó khăn.

Việt Đặng
Bạn đang đọc bài viết VEAM sống nhờ Honda, Toyota, Ford tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bắt giam hàng loạt 'sếp' VEAM
Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giam nhiều 'sếp' VEAM, thuộc Bộ Công thương, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.