Ma trận hàng lậu gắn mác xách tay “náo loạn” thị trường?
TCDN - Không nhãn mác, không nguồn gốc rõ ràng, không xuất hóa đơn VAT đối với hàng xách tay là điều bình thường. Tuy nhiên do nhu cầu ham sính ngoại có nhiều người tiền mất tật mang khi bỏ tiền mua hàng “xách tay” nhưng lại sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mập mờ đánh lận con đen?
Thời gian qua, nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, đã bị báo chí phanh phui, có người “xộ khám” vì buôn bán hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng, thế nhưng, nguồn lợi nhuận “siêu khủng” từ việc buôn bán hàng trôi nổi gắn mác hàng hiệu, hàng xách tay vẫn khiến cho nhiều người hoa mắt.
Sẵn sàng dùng thủ đoạn tinh vi, lách luật bất chấp hậu quả về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, nhiều người vẫn công khai bán “hàng xách tay” nhưng bản thân họ lại rất mơ hồ về nguồn gốc sản phẩm. Điều đó là cơ sở cho những nghi ngại về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái gắn mác “xách tay” đang “náo loạn” thị trường.
Dạo qua các thị trường online có thể thấy, từ quần áo đến trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… bất cứ hàng hóa nào cũng có thể được gắn mác “xách tay”. Thậm chí, có những hàng hóa để được nhập khẩu vào Việt Nam cần những điều kiện khắt khe, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc… thì “trên mạng” cũng nhan nhản hàng… xách tay. Chỉ cần gõ công cụ tìm kiếm google, kết quả sẽ là hàng trăm địa chỉ trong vòng chưa đến 1 giây.
Thị trường hàng xách tay càng ngày càng trở nên sôi động, nhất là thời điểm cận Tết. Nếu là tín đồ hàng xách tay hẳn sẽ không xa lạ với các thương hiệu như: Mint comestic, An n’ Nhi Baby & family store, cửa hàng đồ trẻ em Thảo Nhi, cửa hàng mỹ phẩm Hà Xuân, cửa hàng mỹ phẩm La Beauté…
Để thực tế thị trường hàng xách tay, PV đã ghi nhận tại Mint comestic ngõ 215, 106 D6 phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là 1 trong 8 cửa hàng trong hệ thống của Mint Comestic phân bố khắp các quận nội thành Hà Nội. Hàng hóa ở đây đa dạng, phong phú với đủ chủng loại và có một mẫu số chung là không có tem nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật.
Khi PV đặt câu hỏi về những loại giấy tờ này, một nữ nhân viên phân trần: “Hàng xách tay không có tem nhập khẩu. Tuy nhiên, nhà em chỉ bán hàng chính hãng, khách hoàn toàn yên tâm về chất lượng”.
Thêm nữa, hàng xách tay được bán tại đây đều không xuất hóa đơn cho khách. Khi PV mua hộp bông tẩy trang nhãn hiệu Naturally Radiant, xuất xứ từ Anh theo lời giới thiệu của nhân viên với số tiền 250 nghìn đồng, người bán đã trả lời rất ngắn gọn là “không có hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)”.
Thực trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các cửa hàng An n’ Nhi (94 Hòa Mã); Thảo Nhi (48 Quán Sứ); mỹ phẩm Hà Xuân (35 Hàng Ngang) và La Beauté (15 Hàng Mắm). Theo quan sát của PV, hàng ngàn sản phẩm không có bất kỳ một loại tem mác nào. Tất cả đều là “hàng xách tay”.
Khi PV thắc mắc về giá của sản phầm thấp hơn nhiều so với hàng mà hãng công bố, nhân viên tại một số cửa hàng trên đã giải thích là có người ở nước ngoài săn hàng vào các đợt giảm giá, có thẻ Vip nên được chiết khấu…
Tiết lộ “sốc” về nguồn gốc hàng xách tay
Có một điểm chung đáng nghi ngại ở các cửa hàng xách tay kể trên, đó là việc đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Có nghĩa là, những chủ cửa hàng nói trên đều đăng ký nộp thuế theo phương pháp khoán hàng tháng, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước rất khiêm tốn.
Tìm hiểu của PV được biết, trong các thuật ngữ quản lý của ngành hải quan không tồn tại khái niệm “hàng xách tay”, chỉ có hàng ngoài định mức miễn thuế đối với hành khách. Khách khi nhập cảnh được mang theo một số lượng hàng hóa miễn thuế nhất định, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ phải đóng thuế. Thông thường, giá trị món hàng không quá 10 triệu đồng. Với con số khiêm tốn như vậy, những cơ sở kinh doanh mặt hàng này lấy đâu ra nguồn hàng “khủng” với số lượng và giá trị lên đến con số khổng lồ?
Trao đổi với PV, , một người có hơn 10 năm kinh doanh hàng xách tay tiết lộ: “Thực tế, không ít dân buôn đồ xách tay thường lựa chọn các sản phẩm gần hết date mà các hãng thanh lý theo lô, rồi thuê làm lại nhãn mác để “phù phép” những sản phẩm này. Họ dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng nhẹ dạ bởi đa số các khách hàng mua đồ xách tay là mua bằng tâm lý, mua bằng sự tin tưởng chứ không có gì đảm bảo hàng nghìn sản phẩm trong một cửa hàng đều chuẩn xách tay”.
Phóng viên sẽ tiếp tục liên hệ với Cục Quản lý thị trường và Cục Thuế Hà Nội để làm rõ những vi phạm này.
Hoạt động vi phạm pháp luật
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Hoạt động kinh doanh các mặt hàng không có tem, mác nhập khẩu, có dấu hiệu vi phạm vào khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm:
- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp lật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chúng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899