Mất việc vì COVID-19, giới trẻ Đông Nam Á đua bán hàng trực tuyến
TCDN - Nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng dần trong đại dịch COVID-19 thôi thúc giới trẻ Đông Nam Á tận dụng các kênh online để bán hàng trực tuyến.
Mất việc vì COVID-19, giới trẻ Đông Nam Á đua bán hàng trực tuyến (Kỳ 1)
Doanh số bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á tăng tới 60% trong tháng 4 và tháng 5, theo liệu từ tập đoàn thương mại điện tử iPrice Group của Malaysia.Trong bối cảnh hàng triệu người không thể ra khỏi nhà do Covid-19, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt.
Theo Nielsen, ở Thái Lan, phong trào vơ vét hàng hóa trong tháng 1 và tháng 2 khi đại dịch mới bắt đầu đã khiến doanh số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng đột biến, với mức 1,3 và 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Priceza, một website mua sắm so sánh giá của Thái Lan, dự đoán thương mại điện tử tổng thể tại Thái Lan tăng 35% lên 220 tỷ baht (7,03 tỷ USD) trong năm 2020.
Ông Thanaphol Virasa, một giáo sư của Đại học Mahidol ở Thái Lan, nhận định nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng dần thôi thúc giới trẻ tận dụng các kênh online và nền tảng thương mại điện tử như một cách kinh doanh mới. Với 360 triệu người dùng Internet tại Đông Nam Á, cơ hội kinh doanh luôn rộng mở với những người muốn chớp thời cơ.
"Khả năng tận dụng công cụ kỹ thuật số để bán hàng trực tuyến đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với các doanh nhân nếu muốn vượt qua đại dịch. Thanh niên thường có lợi thế hơn, thậm chí dẫn dắt những người lớn tuổi trong việc áp dụng và sử dụng công nghệ", Lee phát biểu.
Ngoài ra, các mô hình bán hàng trực tuyến cũng không yêu cầu nhiều nguồn vốn, bằng cấp mà thời gian lại linh hoạt hơn. "Họ không phải có mặt từ 10h sáng đến 10h tối, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động cả ngày và sẵn sàng giao dịch mọi lúc", Yusniza Kamarulzaman, Phó trưởng khoa kinh doanh và kế toán của Đại học Malaya (Malaysia), bình luận.
Lunnie Gan, cô gái sống tại Malaysia, nhận thấy đại dịch chính là thời điểm thích hợp để thành lập một công ty kinh doanh trực tuyến. Cô gái 24 tuổi đã lập công ty truyền thông xã hội Pencil Rocket Malaysia tại Kuching. Công ty tập trung vào các lĩnh vực chạy quảng cáo Facebook, xây dựng các chatbot và nội dung truyền thông xã hội cho doanh nghiệp.
"Bản thân là người tích cực sử dụng mạng xã hội, chúng tôi hiểu nội dung mà khán giả thích. Đa số doanh nghiệp có thể nghĩ rằng những người trẻ tuổi không hiểu biết nhiều, nhưng họ biết chúng tôi có lợi thế về mạng xã hội", Gan thổ lộ.
Sự hỗ trợ của chính phủ cũng là một động lực giúp các doanh nghiệp trẻ phát triển. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục Malaysia và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia đã hợp tác với các công ty công nghệ và học viện để thu hút các sáng kiến từ giới trẻ cho Công nghiệp 4.0. Sáng kiến ấy đã thành công, bởi theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu 2020 của tổ chức nghiên cứu Startup Genome, Kuala Lumpur xếp thứ 11 trong 100 hệ sinh thái mới nổi hàng đầu thế giới.
Chiến lược áp dụng công nghệ rộng rãi đã giúp nền kinh tế tại Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ. Trong một nghiên cứu năm 2018 của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company, 8 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 18 nền kinh tế hoạt động tốt trên thế giới - những nơi có mức tăng trưởng bình quân đầu người hàng năm là 5% trong 20 năm qua và 3,5% hơn 50 năm qua.
Báo cáo chung năm 2019 của Bain & Company và Facebook IQ dự báo tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á sẽ đạt 350 triệu người. Cũng theo báo cáo, từ nay đến 2022, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng thêm 50 triệu người từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đây là một thị trường rộng lớn để nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trực tuyến, phát triển.
Cựu tiếp viên Tidaporn Potisai đang tận hưởng vai trò làm chủ doanh nghiệp. Cô nghĩ việc khó khăn nhất khi bán hàng trực tuyến là sự kiên nhẫn.
"Khi mới bắt đầu, tìm khách hàng là việc rất khó và chúng tôi phải quảng cáo nhiều hơn. Song thành quả mà nó mang lại thật sự lớn, nhất là động lực từ người thân, bạn bè giúp tôi sản xuất những cái bánh kor moo yang ngon nhất", cô kể.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899