Thu thuế bán hàng trực tuyến: Khó khăn nhưng sẽ không "thả nổi"
TCDN - Theo quy định, các cá nhân có thu nhập kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Tuy nhiên, việc thu thuế đối với kinh doanh qua mạng rất khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.
Dịch COVID-19 khiến ngành nghề kinh doanh theo hướng truyền thống dần thu hẹp. Thay vào đó, loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ lên ngôi.
Tuy nhiên, hiện việc kinh doanh này chưa được quản lý chặt chẽ, có nhiều kẽ hở, nhất là ở lĩnh vực thuế.
Tại Hà Nội nhiều tài khoản Facebook, Zalo kinh doanh có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhưng không hề bị tính thuế.
Trong khi đó, theo quy định, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Song, việc thu thuế đối với kinh doanh qua mạng rất khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.
Từ 4 năm nay, Nguyễn Quỳnh Anh (Đống Đa) đã là chủ nhiều shop bán hàng online với nhiều loại từ quần áo trẻ em đến thực phẩm chức năng.
Do nguồn hàng chuẩn cùng cách thức tiếp thị hấp dẫn nên doanh thu từ kinh doanh qua mạng của cô gái quê Nghệ An cũng khá. Bình quân mỗi ngày các shop online của chị có doanh thu 2 triệu đồng.
Mỗi tháng, chị Quỳnh Anh chỉ mất khoảng 300.000 đồng trả cho nhà mạng, sau đó, thuê một bạn sinh viên công nghệ thông tin thường xuyên đưa các mẫu mới lên quảng bá, còn 4 năm qua không phải đóng thuế gì - chủ shop tiết lộ.
Hiện có khá nhiều sinh viên, người lao động và cả công chức nhà nước tranh thủ bán hàng online.
Trước thực tế này, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chi cục thuế quận, huyện, thị xã thực hiện tăng cường thu thuế kinh doanh qua mạng để bù đắp khoản thiếu hụt do ảnh hưởng của COVID-19.
Ông Lê Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế Cục Thuế Hà Nội cho biết, qua thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 6/2020 cơ quan thuế có dữ liệu của 1.194 cá nhân với tổng doanh thu 3.614 tỷ đồng, dự kiến số thuế 253 tỷ đồng (tính theo tỷ lệ thuế suất áp dụng cho dịch vụ quảng cáo là 7%).
Cục Thuế Hà Nội cũng có danh sách, tài khoản của 36.068 shop bán hàng online với số tiền giao dịch là 14.290 tỷ đồng; trong đó, tài khoản của cá nhân là 35.971 tài khoản với số lượng tiền giao dịch 4.851 tỷ đồng; tài khoản doanh nghiệp là 97 tài khoản với số tiền giao dịch 9.438 tỷ đồng.
Với số liệu trên, bước đầu Cục Thuế Hà Nội đã yêu cầu 483 địa chỉ cá nhân có hoạt động thương mại điện tử kê khai, nộp thuế theo quy định và đến nay đã thu được hơn 10 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh; trong đó có khoảng 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp thu thập dữ liệu. Bước đầu cơ quan thuế đã thu được 1,2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước đối với số tài khoản trên.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, kinh doanh qua mạng rất khó kiểm chứng. Bởi lẽ, chủ tài khoản rất dễ dàng thay đổi tên, nick khiến khó nắm bắt các giao dịch.
Để tránh thất thu thuế từ việc giao dịch điện tử, ngành thuế cần có nền tảng công nghệ tốt, minh bạch, nghiêm khắc, rõ ràng và kịp thời. Khi thực hiện kê khai đúng thì việc quản lý thuế với người kinh doanh qua mạng mới đi vào nề nếp.
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho rằng theo quy định của luật pháp, trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Tuy nhiên, việc kiểm soát các tài khoản kinh doanh qua mạng để thu thuế gặp khó khăn.
Cái khó là chủ tài khoản Facebook, Zalo không đăng ký kinh doanh. Nếu thanh toán không qua hình thức chuyển khoản mà trả tiền mặt trực tiếp thì sẽ rất khó kiểm soát để truy thu thuế.
Khó và mới nhưng không có nghĩa là "thả nổi" nguồn thu này - lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội khẳng định.
Trước mắt, cơ quan thuế tổ chức tập huấn, khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, giao dịch điện tử, tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra điểm đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử; đồng thời, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai để kiến nghị Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ kiện toàn cơ sở pháp luật điều chỉnh đối với nhóm đối tượng kinh doanh qua mạng.
Ngoài những nội dung trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để có chính sách khuyến khích người bán hàng qua mạng tham gia vào những "sàn giao dịch" tập trung để thống nhất quản lý.
Đối với hình thức kinh doanh riêng lẻ phải vừa thuyết phục, vừa tranh luận và theo dõi để người bán hàng tham gia đóng thuế.
Hoạt động kinh doanh qua mạng mang lại tiện ích cho nhiều người nhưng đang ở tình trạng tự phát, không theo bất cứ quy định nào. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn tiền thuế lớn cho Nhà nước mà còn tạo sự không công bằng giữa các loại hình kinh doanh, kéo theo cả những hệ lụy mà người mua có thể gặp phải.
Vì vậy, tăng cường các giải pháp thu thuế đối với việc kinh doanh trên mạng đang là đòi hỏi từ thực tế xã hội, nhằm bù đắp khoản thiếu hụt tiền thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899