Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3%/năm

28/04/2020, 11:15

TCDN - Việc đề nghị Quốc hội tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm.

xk_tom_bmvx

Tờ trình về nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 28/4.

Chính phủ khẳng định qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình gần 3.300 tỉ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình hơn 6.300 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 hơn 7.400 tỉ đồng/năm.

Chính sách này được đánh giá là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện miễn thuế góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Đồng thời khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính phủ cũng khẳng định việc đề nghị Quốc hội tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 là để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được xem xét, đánh giá trong tổng thể các chính sách chung với Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng với đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Đồng thời, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó bao gồm cả đất nông nghiệp. Trong khi, chưa được các cơ quan tiến hành tổng kết, đánh giá và nghiên cứu một cách tổng thể để có hướng xây dựng chính sách một cách phù hợp trong mối liên hệ chung, về cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế những lúc khó khăn nhất, ngay cả thời dịch Covid- 19 vừa rồi, công nghiệp, dịch vụ đình trệ nhưng nông nghiệp vẫn sản xuất, công nhân mất việc tạm thời vẫn quay về mảnh vườn của mình. Tuy vậy, cần đánh giá thận trọng, không nên tràn lan, để việc miễn thuế có tác động tích cực, không dẫn đến lãng phí đất đai.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3%/năm tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025
Việc miễn thuế SDĐNN trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 7.500 tỷ đồng/năm, nhưng đây là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: Vốn hoá đất đai thành tài chính
Chủ trương tích tụ đất đai của Chính phủ được kỳ vọng sẽ đem đến đột phá trong nông nghiệp, có thể hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa kết hợp với một chính sách chuyển đổi sinh kế phù hợp cho nông dân. Tuy nhiên, việc thời gian, không gian sử dụng đất, thủ tục mua bán đất... là thách thức lớn.