Năm 2023, gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp làm thế nào để xoay sở?
TCDN - Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2023 có khoảng gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.
Trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 giảm gần 76%
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỉ đồng, giảm 65% so với năm trước. Bên cạnh đó, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỉ đồng, giảm 65% so với năm 2021. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỉ đồng.
Đứng đầu về giá trị trái phiếu phát hành vẫn là nhóm ngân hàng với 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.
Vị trí thứ 2 là nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. Tuy nhiên, so với 214.000 tỷ đồng năm 2021 thì lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%. Trong năm qua, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021.
Cũng theo VBMA năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.
FiinRatings - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm, năm 2023 áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể với hơn 119.000 tỷ và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. Tổ chức này kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân.
Theo VBMA, tuần đầu tiên năm 2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 310 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, có hai ngân hàng đã công bố là Ngân hàng TMCP Bắc Á và Ngân hàng BIDV. Trong đó, Bắc Á có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỉ đồng trong tháng 1 và tháng 2; kỳ hạn trái phiếu là 7 và 8 năm.
Ngân hàng BIDV cũng đã công bố kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 với tổng giá trị 6.790 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo; kỳ hạn 7, 8 và 10 năm.
Áp lực đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp gỡ rối bằng giải pháp nào?
Theo ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn quốc tế CIB, trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều áp lực đáo hạn trái phiếu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Để giải quyết vấn đề này, ông Mã Thanh Danh cho rằng, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...) để đảo nợ hoặc tìm cách cơ cấu lại các khoản nợ, thỏa thuận với trái chủ để giải quyết vấn đề.
Trước mắt, ông Danh đưa ra giải pháp doanh nghiệp nên xem xét lại tài sản, nguồn vốn của mình còn những gì. Đồng thời, doanh nghiệp đưa ra thỏa thuận với trái chủ để đưa ra giải pháp phù hợp.
Nếu còn nguồn lực thì doanh nghiệp cần tìm cách như bán tài sản, thanh lý hàng tồn kho...để có tiền đáo hạn trái phiếu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với trái chủ như gia hạn với lãi suất mới, chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu hoặc các sản phẩm, tài sản khác, chuyển đổi thành hợp đồng hợp tác đầu tư...Nếu trong trường hợp nhà đầu tư không chấp thuận thì các doanh nghiệp phải thanh toán theo quy định của pháp luật.
Theo giới chuyên môn dự đoán, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.
Tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng bày tỏ nhất trí việc ngưng hiệu lực thi hành trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư; xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; giảm thời gian phân phối trái phiếu. Đồng thời, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhất trí và đề nghị Bộ Tài chính bổ sung phương án xử lý khi không đủ 65% nhà đầu tư đồng ý kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết: Trường hợp không đủ 65% nhà đầu tư chấp thuận thì doanh nghiệp không được kéo dài kỳ hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với các nhà đầu tư chấp thuận kéo dài kỳ hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp có thể đàm phán để chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay và tài sản khác theo quy định của pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899