Một năm sóng gió của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

02/01/2023, 15:16
báo nói -

TCDN - Nói về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng thị trường nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, công ty An Đông... khiến thị trường liên tục chao đảo.

Bộ Tài Chính tổ chức cuộc họp bàn, thu thập các ý kiến góp ý để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Bộ Tài Chính tổ chức cuộc họp bàn, thu thập các ý kiến góp ý để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Nhà đầu tư mất niềm tin

Đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4, cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48,8 nghìn tỷ đồng, tháng 4 là 30,6 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu mới (cả phát hành ra công chúng lẫn phát hành riêng lẻ) đạt gần 255.000 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. 

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính từ đầu năm đến ngày 23/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. 

Như vậy, nếu trừ đi số trái phiếu mua lại trước hạn, năm 2022, doanh nghiệp chỉ huy động thêm được gần 55.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, bằng 1/10 lượng phát hành ròng ra thị trường năm 2021. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp bị hụt gần nửa triệu tỷ đồng vốn huy động qua kênh trái phiếu so với năm ngoái. 

Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN Bộ Tài chính thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bất động sản và chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp.

Đặc biệt vào tháng 4/2022, thị trường trái phiếu chao đảo khi ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil do "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ". 

Ngày 5/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thị trường TPDN có dấu hiệu “đóng băng” trong nhiều tháng. Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan;

Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong giai đoạn 2018 - 2019.

Hàng nghìn nhà đầu tư mất niềm tin khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp biến cố.

Hàng nghìn nhà đầu tư mất niềm tin khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp biến cố.

Hàng nghìn nhà đầu tư hoang mang, mất niềm tin vào thị trường khi thiệt hại số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến cho thị trường gia tăng rủi ro.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến ngày 15/12/2022, có 447 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân đạt 7,82 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 31,4% so với năm 2021. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đến ngày 15/12/2022 là 332 nghìn tỷ đồng, giảm 34,76% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành chính trong năm 2022, chiếm 41% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản phát hành 28,6%; doanh nghiệp xây dựng, sản xuất phát hành lần lượt là 7,8% và 6,7%; các doanh nghiệp khác chiếm 15%. Hoạt động mua lại trước hạn tăng, lũy kế 11 tháng đầu năm là xấp xỉ 181 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với cả năm 2021.

Cơ hội gạn đục khơi trong

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Theo đó, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường TPDN diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Để có lòng tin, thì nguyên tắc của thị trường là đến hạn phải trả. Các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn phải trả nợ đúng hạn. Với những doanh nghiệp không có dòng tiền, trước có thể vay đảo nợ, nhưng ở thời điểm khó khăn này thì phải bán tài sản để trả nợ.  (PGS.TS Vũ Sỹ Cường)

Để có lòng tin, thì nguyên tắc của thị trường là đến hạn phải trả. Các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn phải trả nợ đúng hạn. Với những doanh nghiệp không có dòng tiền, trước có thể vay đảo nợ, nhưng ở thời điểm khó khăn này thì phải bán tài sản để trả nợ.  (PGS.TS Vũ Sỹ Cường)

Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường TPDN, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đa dạng trên các kênh truyền thông, thông cáo báo chí khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, nhằm ổn định thị trường, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.

Bộ trưởng khẳng định, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính đặc biệt và trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.

“Thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường”, người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, để có lòng tin, thì nguyên tắc của thị trường là đến hạn phải trả. Các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn phải trả nợ đúng hạn. Với những doanh nghiệp không có dòng tiền, trước có thể vay đảo nợ, nhưng ở thời điểm khó khăn này thì phải bán tài sản để trả nợ. 

Truyền thông cũng cần làm rõ nguyên tắc của thị trường trái phiếu, lãi suất cao luôn đi cùng với rủi ro cao. Nhà nước chỉ tham gia với những doanh nghiệp có vấn đề, nhưng không phải là để mua lại trái phiếu. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách xử lý nhanh tiến trình xử lý tài sản. Ví dụ, doanh nghiệp có tài sản, thì phải bán tài sản để thanh toán các trái phiếu đến hạn thanh toán. Với các trái phiếu chưa đến hạn, thì trái chủ phải chấp nhận lỗ nếu muốn phá vỡ hợp đồng, lấy lại tiền sớm hơn, đó là thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang có vấn đề, cần phải được xử lý, thì nhiều doanh nghiệp phát hành đang hoạt động tốt, hoàn toàn đủ khả năng trả nợ khi đến hạn... 

Năm 2023 trái phiếu doanh nghiệp hồi phục?

Trong những ngày của tháng cuối cùng năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường TPDN. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường TPDN, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023; chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành TPDN nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành TPDN, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng khoán, phát hành TPDN; nâng cao tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tăng cường quản lý giám sát và giảm thiểu các rủi ro cho thị trường; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng trong năm 2023, các doanh nghiệp lớn, minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt thì nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền để có thể tham tham gia.

Bên cạnh đó, ông Thuân cũng kỳ vọng phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh sẽ là điểm sáng về thị trường trái phiếu trong năm 2023. Những doanh nghiệp nào năng lực tín dụng tốt, có các dự án phát triển lớn và cần phải đầu tư vẫn cứ chủ động và tìm kiếm, sàng lọc các nhà đầu tư thì dòng tiền thông minh vẫn tìm đến. Còn những doanh nghiệp chẳng may yếu hoặc cạn dòng tiền thì phải chuẩn bị tâm thế phải chủ động minh bạch; làm việc với trái chủ, đại diện chủ nợ để minh bạch về tình hình tài chính của mình…

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Một năm sóng gió của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray', trở thành kênh huy động vốn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về trái phiếu doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray” trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng: Năm 2023 giải quyết dứt điểm tồn tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.
Bộ Tài chính tiếp tục 'gỡ khó' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp có khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm.