Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sang làm việc tại Nhật Bản

21/12/2023, 10:45
báo nói -

TCDN - Hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống làm việc tại Nhật Bản ngày càng gia tăng, đến tháng 6/2022 đã đạt 480.000 người. Cộng đồng người Việt Nam trở thành cộng đồng người nước ngoài tại Nhật lớn thứ 2, trong đó có sự đóng góp của nguồn nhân lực sang lao động và làm việc.

4-1

TÓM TẮT:

Hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống làm việc tại Nhật Bản ngày càng gia tăng, đến tháng 6/2022 đã đạt 480.000 người. Cộng đồng người Việt Nam trở thành cộng đồng người nước ngoài tại Nhật lớn thứ 2, trong đó có sự đóng góp của nguồn nhân lực sang lao động và làm việc.

Tuy vậy, trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam đã bộc lộ khá nhiều vấn đề và điểm yếu, như trình độ chuyên môn và tay nghề thấp, cơ cấu việc làm mất cân đối, vi phạm pháp luật và tập quán xã hội cua nước sở tại... Những vấn đề này đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam nói chung và lao động Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu là do trước khi sang Nhật Bản làm việc, lao động Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn và tay nghề, chưa được đào tạo và huấn luyện chu đáo về đạo đức nghề nghiệp, cũng như những hiếu biết đầy đù về các khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp Nhật Bản...

Để tận dụng tốt thị trường lao động Nhật Bản, bài viết kiến nghị một số giải pháp chủ yếu giúp cải thiện năng lực cứng và mềm cho lao động Việt Nam trước khi đưa họ sang Nhật Bản làm việc và học tập trong tương lai.

1. Tình hình nguồn nhân lực sang Nhật Bản hiện nay

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính riêng trong tháng 8/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 12.000 lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 6.076 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 4.698 lao động, Hungary 200 lao động, Singapore 164 lao động, Hàn Quốc 145 lao động, Trung Quốc 139 lao động, Romania 90 lao động...

Tính chung 8 tháng qua, cả nước đã đưa được 97.234 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động, Hungary 1.002 lao động, Singapore 964 lao động, Romania 627 lao động...

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện đang có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường Nhật Bản (250 ngàn người); Đài Loan (230 ngàn người); Hàn Quốc (50 ngàn người); còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông và Malaysia. Về lĩnh vực ngành nghề, sản xuất chế tạo chiếm 80% (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình)… Thu nhập của người lao động đạt khoảng 1.200-1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800-1.200 USD tại Đài Loan và các nước châu Âu…

B1

Tại Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam, ông Ishii Chikahisa cho biết, hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống làm việc tại Nhật Bản ngày càng gia tăng, đến tháng 6/2022 đã đạt 480.000 người. Cộng đồng người Việt Nam trở thành cộng đồng người nước ngoài tại Nhật lớn thứ 2, trong đó có sự đóng góp của nguồn nhân lực sang lao động và làm việc.

Phó Cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Viết Hương cho biết: Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.

Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản). Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.

Theo ông Shishido Kenichi, Phó chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ lao động nước ngoài tại Nhật Bản, kiêm Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), kết quả một cuộc khảo sát mới đây của JICA cho thấy, hơn 70% lao động Việt Nam tại Nhật Bản có chung đánh giá, nhận định là họ hài lòng với cuộc sống cũng như công việc hiện nay. Cùng với đó, JICA cũng nhận được rất nhiều mong muốn, nguyện vọng của các bạn trẻ ở Việt Nam được sang Nhật Bản học tập, làm việc, học hỏi thêm những kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Shishido Kenichi nhấn mạnh, tất cả mọi việc không phải diễn ra suôn sẻ và thực tế đã xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc trong quá trình tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2021 Việt Nam có 4.772 thực tập sinh kỹ năng mất tích và năm 2022 có 5.572 thực tập sinh kỹ năng mất tích. Chi phí mà người lao động Việt Nam phải chi trả cho tổ chức phái cử/trung gian trước khi đến Nhật Bản là 668.143 Yên, cao nhất trong số 4 nước (Trung Quốc 591.777 Yên, Indonesia 235.343 Yên, Philippnine 94.191 Yên).

Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch JICA chia sẻ, Chính phủ hai nước cũng như các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đang rất nỗ lực thảo luận để tìm ra những giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn tại hiện nay trong tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề người lao động Việt Nam phải chi trả những khoản chi phí rất lớn và không đúng với nguyên tắc, hướng dẫn của ILO khi tham gia thi tuyển xuất khẩu lao động.

Nhấn mạnh trong 10 năm qua, Nhật Bản là một trong những điểm đến hàng đầu của lao động di cư Việt Nam, bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, người Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài của Nhật Bản, chiếm 25,4% trong tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, qua đó đã đóng góp trong phát triển kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản, kiều hối chuyển về nước tương đương 3 tỷ USD, mỗi năm gửi về Việt Nam, nâng cao kỹ năng lao động.

Tuy nhiên, theo bà Ingrid Christensen, nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO có tiêu đề “Đo lường chỉ số mục tiêu phát triển bền vững 10.7.1 về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài” cho thấy, thực tế 1 lao động di cư Việt Nam phải trả tới 192 triệu đồng Việt Nam (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản, như vậy chưa tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế về các chi phí lao động phải chi trả. Bà Ingrid Christensen cũng cho rằng, việc người lao động trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí là sau khi kết thúc công việc được tuyển dụng.

2. Sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn được đánh giá là một thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn của Việt Nam, vì những lý do chủ yếu sau:

Trước hết, nhu cầu tuyển dụng lao động cúa Nhật Bản hiện đang và sẽ rất lớn. Ngày 25/12/2018, Nội các Nhật Bản đã thông qua một gói chính sách mới về chương trình nhập khẩu lao động Nhật Bản. Theo đó, trong vòng 5 năm kể từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài cho các ngành đang thiếu hụt lao động như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... Những nước được ưu tiên tuyển chọn sẽ là Trung Quốc, Indonesia, Mông cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Thứ hai, Nhật Bản có khoảng cách địa lý với Việt Nam không xa; khí hậu ôn hòa; là quốc gia châu Á, về cơ bản, có nhiều nét tương đồng và gần gũi về con người, văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán với Việt Nam.

Thứ ba, từ nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển theo chiều sâu. Nhật Bản đang nằm trong top 2 nhà đầu tư FDI, top 3 nhà xuất nhập khẩu và luôn là nhà viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục và quân sự giữa hai nước ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Thứ tư, tùy theo ngành nghề và trình độ, mức lương trung bình trả cho người lao động xuất khẩu ở Nhật Bản thường dao động trong khoảng 1.800-2.500 USD/tháng, thậm chí 3.000 USD/tháng, cao hơn đáng kể so với các thị trường khác, và với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Các chế độ phúc lợi như bảo hiểm, nghỉ phép, lương thưởng ở Nhật Bản thường được quy định rõ ràng. Người lao động được đóng bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi nơi ăn, chỗ ở trong suốt thời gian họp đồng. Được thưởng năng suất lao động và nghỉ phép, nghỉ lề tết theo luật lao động của Nhật Bản. Thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, thời gian làm thêm ngoài giờ sẽ được tính lương tăng ca nhân hệ số. Ngoài ra, Nhật Bản có điều kiện làm việc, sinh hoạt và quan hệ chủ thợ tốt.

Thứ năm, lao động xuất khẩu làm việc tại Nhật Bản sẽ có nhiều co hội học tập và tiếp cận công nghệ hiện đại, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao.

Thứ sáu, thị trường lao động Nhật Bản rất đa dạng ngành nghề, hơn hắn so với các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Và người lao động hoàn toàn có thể lựa chọn chủ xí nghiệp, lựa chọn ngành nghề tham gia mà mình ưa thích. Từ năm 2020, Nhật Bản chính thức nới rộng từ 66 lên 77 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, việc gia tăng ngành nghề mở ra nhiều cơ việc làm cho các lao động Việt. Có thể nói, đó là nền tảng vừng chắc giúp đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tuy đơn đặt hàng khá nhiều và đang tăng mạnh, nhưng cũng không ít thách thức đối với người lao động Việt, bởi vì ngoài chi phí đắt đỏ, rào cản ngôn ngừ, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khá cao với những điều kiện khắt khe và chính sách tuyến dụng và quản lý lao động ngày càng siết chặt. Hiện nay, hầu hết các đơn hàng của Nhật Bản đều không tiếp nhận lao động nước ngoài tay nghề thấp, lao động cơ bản, mà chỉ nhận dưới hình thức tu nghiệp sinh, thực tập sinh, điều dường và hộ lý có tay nghề.

3. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực

Đề cập đến chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những năm qua còn thấp, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài.

“Điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nói.

Giải pháp hiện nay theo ông Liêm là cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ. “Sẽ tùy theo từng thị trường để định hướng học tập ngành nghề gì hay học ngoại ngữ ở mức độ, trình độ ra sao. Chẳng hạn với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì phải có ngoại ngữ tốt vì đòi hỏi kỹ năng nghề, không như một số thị trường khác. Với khả năng ngoại ngữ tốt, người lao động có thể nắm bắt để thực hiện tốt công việc được giao và từ đó có thể nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc. Trong khi đó, với các thị trường như: Đài Loan, châu Âu hay Trung Đông thì người lao động cần được đào tạo ở những ngành, nghề và công việc làm trong nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng…”, ông Liêm phân tích.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.

“Bộ đã đề nghị các đơn vị được giao thực hiện trao đổi với phía đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, đào tạo định hướng cho lao động tham gia chương trình IM Japan, EPS; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia các chương trình. Chúng tôi cũng yêu cầu Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường dạy nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong năm 2022, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài về cơ bản đã hoàn chỉnh và có hiệu lực.

Riêng với thị trường Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam. Đó là: Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, nâng lương cơ bản tạo thu nhập tốt cho lao động Việt Nam; giảm thuế thu nhập cho thực tập sinh và người lao động ngoài nước trong đó có Việt Nam…

Cùng với đó, xem xét rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận tư cách lưu trú, visa tạo điều kiện thuận lợi cho thực tập sinh, lao động Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản.

“Phối hợp các chính sách đó, hiện nay, Việt Nam đang đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo đưa người lao động, thực tập sinh sang Nhật Bản; tổ chức và quản lý thật tốt người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Qua đó, tin tưởng rằng sau khi Nhật Bản sửa đổi hai dự án luật, mối quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng tốt đẹp hơn’’, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

4. Đề xuất một số giải pháp

Thứ nhất, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đa dạng hoá phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhà nước cần tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực; bảo đảm cân đối về cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và từng ngành, từng cấp.

Thứ hai, rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và gắn với quy hoạch nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội. Tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo; thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; xếp hạng các trường đại học. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng các trường sư phạm; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ. Nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo; coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh.

Thứ tư, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động và chất lượng dịch vụ việc làm. Xây dựng cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Cải cách tổng thể, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh là cơ sở để tăng lương. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.

Thứ năm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực một cách tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng NNLCLC có cơ cấu, chất lượng hợp lý, đủ năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, người lao động cần chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết để đón đầu các kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào nền kinh tế số.

Thứ sáu, đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một là, xây dựng nội dung và chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu về kỹ năng nghề, ngoại ngữ của đối tác nước ngoài, trong đó chú trọng huấn luyện kỹ năng nghề cho người lao động và an toàn vệ sinh lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, nhà nước cần quy định tiêu chuẩn nghề theo từng thị trường và tiến hành kiểm định chất lượng và trình độ nghề và ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp xuất khẩu.

Hai là, thí điểm đề án đặt hàng đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng. Nội dung chủ yếu của đề án là: Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí học nghề cho người lao động, doanh nghiệp hoặc người lao động chịu chi phí 30% còn lại, nếu người lao động đạt trình độ nghề theo quy định và được đối tác nước ngoài tiếp nhận. Mục tiêu là khuyến khích người lao động đầu tư học nghề trước khi xuất khẩu nhằm tăng tỷ lệ lao động có nghề đi làm việc ở nước ngoài, tạo khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng thương hiệu lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành để chủ động đào tạo nguồn lao động đáp ứng kịp thời yêu cầu về số lượng và chất lượng lao động của chủ sử dụng lao động ngoài nước.

Bốn là, nhà nước cần kêu gọi các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động có nghề của Việt Nam tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.

Cuối cùng, Chính phủ, trước hết là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần ban hành các biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật và tuân thủ pháp luật nhằm giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng bỏ trốn và vi phạm pháp luật cùa các lao động xuất khẩu tại Nhật Bản nói riêng và các thị trường khác nói chung.

Thứ bảy, trách nhiệm của người lao động: Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung, ở Nhật Bản nói riêng, cần phải chủ động tìm hiểu pháp luật có liên quan và tham gia tích cực và có trách nhiệm các khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do các tô chức, doanh nghiệp và cá nhân được phép đưa lao động đi xuất khẩu có tổ chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Lê Cẩm Hà: “Phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”, tạp chí Quản lý nhà nước điện tử, truy cập từ trang https://www.quanlynhanuoc.vn, cập nhật ngày 01/6/2021.

Nguyễn Thu Thủy: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, báo Quân đội nhân dân điện tử, truy cập từ trang https://www.qdnd.vn, cập nhật ngày 13/4/2021.

Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

TS. Lê Đăng Minh: Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3/2023.

https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-dua-lao-dong-sang-nhat-ban-post744600.html

ThS. Hà Ngọc Anh

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa

Tạp chí in số tháng 12/2023
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sang làm việc tại Nhật Bản tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận