Ngân hàng bị cấm chia cổ tức tiền mặt nếu còn nợ xấu tại VAMC

04/01/2020, 19:57

TCDN - Từ ngày 14/2/2020, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo đó, Thông tư 32 quy định, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. Trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Ngân hàng phải nhanh chóng dọn nợ tại VAMC nếu muốn chia cổ tức tiền mặt.

Ngân hàng phải nhanh chóng dọn nợ tại VAMC nếu muốn chia cổ tức tiền mặt.

Nguy cơ không được chia cổ tức

Tính đến đầu tháng 1/2020 có 11 ngân hàng sạch nợ xấu tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC): Agribank, SeABank, VPBank, Kienlongbank, Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank.

Nợ xấu bán cho VAMC thực chất chỉ xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán và giãn thời gian trích dự phòng chứ chưa giải quyết được bản chất nợ xấu. Nói cách khác, việc bán nợ xấu sang VAMC là giải pháp để kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống mức thấp dưới quy định, nhằm làm đẹp sổ sách.

Theo lộ trình đến hết năm 2019, các ngân hàng phải tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Tuy nhiên, dù rất muốn nhưng không phải nhà băng nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn.

Nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả những “ông lớn” như BIDV, VietinBank cần thời gian để có thể xử lý dần dần khối nợ xấu này.

Đứng trước nguy cơ nhiều ngân hàng không thể hoàn thành quy định trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm.

Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được.

Do đó, thời gian qua, bên cạnh một số ít nhà băng đã tất toán thành công nợ xấu bán cho VAMC, vẫn còn phần lớn ngân hàng vướng một phần, hoặc chưa thu hồi được nợ đang “gửi” tại VAMC.

Agribank vừa tất toán hết nợ tại VAMC

Agribank vừa tất toán hết nợ tại VAMC

Bổ sung quy định mua, bán nợ bằng ngoại tệ

Ngoài ra, Thông tư 32 cũng bổ sung quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ của VAMC. Theo đó, VAMC, các tổ chức tín dụng bán nợ và các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua.

Cụ thể, khi thực hiện mua, bán nợ với Công ty Quản lý tài sản, bên mua nợ sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện thanh toán cho VAMC trong trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là đồng Việt Nam. Bên mua nợ là người không cư trú sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam hoặc tài khoản ngoại tệ của bên mua nợ tại nước ngoài để thực hiện thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản tiền mua nợ và các chi phí liên quan theo hợp đồng mua, bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là ngoại tệ.

Khi thu hồi nợ từ các khoản nợ được mua từ Công ty Quản lý tài sản, số tiền thu hồi nợ phải được chuyển vào 01 (một) tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc 01 (một) tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (đối với trường hợp khoản nợ được thu hồi bằng ngoại tệ) của bên mua nợ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp mua, bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay ra nước ngoài hoặc nợ phát sinh do trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên được bảo lãnh là người không cư trú thì bên bán nợ (VAMC hoặc tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC) phải thực hiện đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú. Bên mua nợ phải thực hiện đăng ký kế hoạch thu hồi nợ theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ mua, bán nợ.

Điều kiện nợ xấu được VAMC mua lại

Thông tư 32 cũng quy định cụ thể hơn về điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua lại. Theo đó, VAMC chỉ mua khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt nếu đáp ứng đủ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: có tài sản bảo đảm; khách vay còn tồn tại; giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Ngoài ra, khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó phải đảm bảo tối thiểu 3 yêu cầu.

Thứ nhất, hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua bán nợ, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng.

Thứ hai, khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.

Thứ ba, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật tại thời điểm mua, bán nợ.

Công ty Quản lý tài sản căn cứ quy định của pháp luật liên quan để xác định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng bị cấm chia cổ tức tiền mặt nếu còn nợ xấu tại VAMC tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan