Dự án bệnh viện 3.000 tỷ ở Kiên Giang: Tài sản công thất thoát trong công tác đấu thầu

09/12/2019, 08:40

TCDN - Dự án BV đa khoa tỉnh Kiên Giang có mức đầu tư lên tới gần 3000 tỷ đồng và đang trong giai đoạn tổ chức gói thầu. Tuy nhiên nhiều nhà thầu gửi đơn tố cáo Chủ đầu tư vi phạm luật Đấu thầu, có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Công ty CPTM và DV công nghệ SHT Việt Nam và Công ty CP Trung tâm Bảo hành và dịch vụ kỹ thuật VINASERVICE đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng “tố” trong Hồ sơ mời thầu của gói thầu 60: Cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng mổ - hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu xây dựng hồ sơ thầu theo lối chỉ định chọn lựa thiết bị, nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp dự thầu bức xúc cho rằng: Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt cấu hình chỉ định cho từng loại thiết bị trong hồ sơ mời thầu, giúp cho một số hãng cung cấp thiết bị không cần phải cạnh tranh chất lượng sản phẩm, hay chào giá cạnh tranh. Như vậy nếu trúng thầu, khi có trong tay đầy đủ Giấy ủy quyền của hãng sản xuất, thì mặc định sẽ là đơn vị duy nhất đạt tiêu chí về kỹ thuật, sau đó “một mình một chợ” về tiêu chí tài chính.

Nhiều nhà thầu gửi đơn tố cáo Chủ đầu tư Dự án bệnh viện 3.000 tỷ ở Kiên Giang vi phạm luật Đấu thầu và có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Internet)

Nhiều nhà thầu gửi đơn tố cáo Chủ đầu tư Dự án bệnh viện 3.000 tỷ ở Kiên Giang vi phạm luật Đấu thầu và có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, nhà thầu VINASERVICE còn chỉ rõ tên một số thiết bị được chủ đầu tư “đưa vào có chủ ý” để loại các nhà thầu khác như: Mục 1,2,3 trong Hồ sơ mời thầu đã chỉ định duy nhất hãng Steris/Pháp. Mục 9-50 đã chỉ định duy nhất cho hãng Aesulap. Mục 51,55 chỉ định duy nhất cho hãng Terumo... Có một điều rất lạ là hầu hết những cấu hình, thiết bị “có một không hai” nêu trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư đã được cấp Giấy ủy quyền cho một nhà thầu duy nhất, hiện đã nộp hồ sơ tham gia dự thầu, đó là: Liên danh GMHSCC?

Trong đơn tố cáo của Công ty CPTM và DV công nghệ SHT Việt Nam cũng nêu rõ: Khi chúng tôi tìm đến các đại lý độc quyền của các sản phẩm này để xin ủy quyền chào thầu  thì đều bị từ chối với lý do đã ủy quyền cho Liên danh nhà thầu GMHSCC???.

Chỉ có công ty nào lấy được tất cả các ủy quyền của những sản phẩm này (như Liên danh nhà thầu GMHSCC) thì mới đạt được phần hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Về phần “cấu hình” hồ sơ mời thầu cũng yêu cầu rất chi tiết. Với yêu cầu này thì không sản phẩm nào khác đạt nếu không chấm tương đương về công nghệ và tính năng sử dụng.

Như vậy, trong 86 mục thiết bị chỉ cần Chủ đầu tư tư vấn “thông thầu” với một nhà thầu nào đó và đưa ra một điểm chỉ định là có thể kiểm soát toàn bộ gói thầu. Dù chưa mở thầu nhưng Công ty CPTM và DV công nghệ SHT cũng khẳng định: Tới đây khi mở thầu, đơn vị trúng thầu duy nhất sẽ là Liên danh nhà thầu GMHSCC và sẽ trúng với giá gần với giá thẩm định là 308 tỷ đồng.

Tham khảo trên thị trường thì giá gói thầu này khoảng 280 tỷ đồng. Như vậy, giá thẩm định cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Câu hỏi được dư luận đặt ra tại đây là, phải chăng đây là lý do chính để Hồ sơ mời thầu chỉ định cấu hình duy nhất đạt và hành vi chỉ định cấu hình này nhằm mục đích cho “nhóm lợi ích” nào đó?

Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được khởi công xây dựng vào tháng 4/2015, tổng mức đầu tư dự án là 2.929 tỉ đồng, với quy mô 1.020 giường. Đây là công trình dân dụng cấp 1, được xây dựng đầu tư mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ hiện đại ngang tầm với bệnh viện khu vực cấp vùng.

Gói thầu 60 có giá trị gần 300 tỷ đồng và là một trong những gói thầu lớn nhất trong tổng số các gói thầu của dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, dư luận đang quan tâm nhất hiện nay, nếu chủ đầu tư không chọn lựa cấu hình và thiết bị một cách cạnh tranh lành mạnh, thì việc đấu thầu sẽ “chỉ là trò diễn”. Nếu những nghi vấn thiếu minh bạch tại dự án ngàn tỷ này không được làm rõ thì nguy cơ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước là khó tránh khỏi.

Trước đó, gói thầu số 59 “Cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh” cũng đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ khi bỏ thầu. Liên danh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản -  Công ty Cổ phần Trang thiết bị và công trình y tế, với giá hơn 205 tỷ đồng.

Đơn vị nhà thầu chính là doanh nghiệp chuyên về khoáng sản, vượt mặt hàng loạt những “ông lớn” hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị y tế, dược là Công ty Cổ phần Nghiên cứu và phát triển công nghệ y tế Việt Nam, Công ty cổ phần XNK Y tế TP.HCM (YTECO), Công ty TNHH Công nghệ Phương Nam và liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ và xây dựng Sông Hồng - Công ty Cổ phần Công nghệ quốc gia.

PV
Bạn đang đọc bài viết Dự án bệnh viện 3.000 tỷ ở Kiên Giang: Tài sản công thất thoát trong công tác đấu thầu tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan