Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa "dính" nhiều sai phạm vẫn được ưu ái?

30/11/2019, 09:21

TCDN - Dù có nhiều sai phạm trong tổ chức đấu giá tài sản nhưng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa vẫn được Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị lớn tại các dự án trên địa bàn tỉnh.

Như đã thông tin ở bài trước: "Thanh Hóa: Dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo môi trường không lành mạnh trong thị trường đấu giá tài sản". Cho rằng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa (TTDVĐGTS Thanh Hóa) có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức đấu giá tài sản nên Sở Tư pháp Thanh Hóa đã có Công văn số 1799/STP-TTĐG, về việc đề xuất giao TTDVĐGTS Thanh Hóa đấu giá quyền sử dụng đất (QSDD) có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, Bộ Tư pháp đã có kết luận về việc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, nội dung đã chỉ ra nhiều sai phạm của Trung tâm này.

Cần phải nói rõ: "TTDVĐG Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở Tư pháp. Hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn đang phải cấp hơn 50% kinh phí cho hoạt động của Trung tâm này".

Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa

Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa

Được biết, ngày 04/7/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận thanh tra số 25/KL- TTR. Kết luận chỉ rõ nhiều tồn tại cũng như sai phạm của TTDVĐGTS Thanh Hóa về thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá; quy chế bán đấu giá tài sản; hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản…

Theo đó, kết luận chỉ ra nhiều sai phạm về hợp đồng bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.

Cụ thể, ở hợp đồng số 45 ngày 09/6/2017; tài sản: Xe ô tô biển kiểm soát 36B-1111 của Huyện ủy Thạch Thành: Hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ: chỉ có Biên bản làm việc về việc xác định giá khởi điểm tài sản thanh lý; không có quyết định về việc thanh lý tài sản; quyết định về việc thành lập hội đồng định giá tài sản.

Tiếp đến, nhiều trường hợp người ký hợp đồng bán đấu giá tài sản không phải là người đại diện theo Pháp luật. Đơn cử như hợp đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất số 95/2016/HĐ-BDG ngày 13/10/2016 ký với UBND huyện Tĩnh Gia nêu rõ, người đại diện cho Ủy ban nhân dân huyện Tĩnh Gia là ông Hoàng Bá Trung, Trưởng phòng TNMT (Hồ sơ không có văn bản ủy quyền).

Tương tự, ở hợp đồng số 91/2016/HĐ-BĐG ngày 07/10/2016 ký với Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa (người ký bà Trịnh Thị Thủy – Phó Giám đốc); hợp đồng số 97/2016/HĐ-BĐG ngày 19/10/2016 ký với Huyện Uỷ Hà Trung (người ký là ông Trình Đình Phương – Chánh Văn phòng).

Trong nội dung hợp đồng số 37/2017/HĐ-BĐG ngày 16/5/2017, tại Khoản 2 Điều 4 hợp đồng quy định: ”…Khách hàng không trúng đấu giá ở các lô đã tham gia đấu giá, được đăng ký tham gia đấu giá những lô đất có một hoặc không có khách hàng tham gia đấu giá (nhưng phải nộp phí tham gia đấu giá, tiền đặt trước được bảo lưu)”.

Nếu như vậy, một người có thể nộp tiền đặt trước cho một lô nhưng có thể tham gia đấu giá nhiều lô nếu chưa trúng là vi phạm quy định về nộp tiền đặt trước. Vì Điều 29 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định tiền đặt trước được nộp “tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá”. Vì vậy, không thể tham gia đấu giá nhiều lô đất chỉ bằng một khoản tiền đặt trước tương ứng cho một lô đất.

Về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản: Hợp đồng số 140/2017/HĐ-BĐG ngày 15/11/2017, Khoản 1 Điều 2 của hợp đồng quy định điều kiện được tham gia đấu giá: “Mỗi cá nhan, hộ gia đình có thể đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất nhưng phải nộp tiền phí hồ sơ tham gia đấu giá và tiền đặt cọc trước tương ứng với số lô tham gia”.

Nhưng tại Khoản 2 Điều 4 quy định hình thức đấu giá lại quy định: “Khách hàng không trúng đấu giá ở các lô đã tham gia đấu giá, được đăng ký tham gia đấu giá những lô đất còn lại trong khu vực (nếu khu vực đó đang còn các lô đất để đấu giá nhưng phải nộp phí tham gia đấu giá, tiền đặt trước được bảo lưu)” là không thống nhất.

Sau khi Sở Tư pháp có Công văn đề xuất giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/11/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu.

Sau khi Sở Tư pháp có Công văn đề xuất giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/11/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu.

Đối với quy chế bán đấu giá theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP, quy chế bán đấu giá tài sản của Trung tâm; đấu giá 16 lô đất tại Khu dân cư xã Đông Minh, huyện Đông Sơn còn quy định chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 23/2010/TT-BTP như: Chưa quy định về trường hợp không được tiếp tục tham gia đấu giá; quy định về người tham giá đấu giá không được lấy lại khoản tiền đặt trước và khoản tiền này được sung quỹ nhà nước trong các trường hợp: trả giá cao nhất của vòng đấu đó, nhưng rút lại giá đã trả.

Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 39 quy định: “Trong trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác”.

Tại hợp đồng 104/2017/HĐ-BĐG ngày 06/10/2017 (hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu). Điều 4 của Quy chế quy định cách thức tham gia đấu giá có quy định người tham gia đấu giá phải “trả giá không được thấp hơn giá khởi điểm” là chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Tương tự, hợp đồng số 127/2017/HĐ-BĐG ngày 03/11/2017, Điều 5 của quy chế quy định thời gian bán hồ sơ, nộp hồ sơ trong giờ hành chính từ ngày 09/10/2017 đến hết ngày 26/10/2017 (ngày mở đấu giá là 30/10/2017) là chưa đúng quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật đấu giá tài sản.

Như vậy, với một loạt những sai phạm của TTDVĐGTS Thanh Hóa đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ tại kết luận thanh tra số 25/KL- TTR ngày 04/7/2018. Thế nhưng không rõ vì lý do gì Sở Tư pháp Thanh Hóa lại có Công văn đề xuất  UBND tỉnh giao Trung tâm đấu giá QSDD có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh?

Nhiều câu hỏi cho rằng; phải chăng Sở Tư pháp Thanh Hóa đang cố hiểu sai Luật Đấu giá tài sản số 01/2017/QH14 để rồi cho ra Quyết định 1799/STP-TTĐG; hoặc có một “nhóm lợi ích” nào đó đang được nhen nhóm trong thị trường đấu giá (?!)

Doãn Tài

Bạn đang đọc bài viết Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa "dính" nhiều sai phạm vẫn được ưu ái? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sacombank chi nhánh Thanh Hóa lập chứng từ khống?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Thanh Hóa (Sacombank Thanh Hóa) vừa bị một doanh nghiệp tố cáo vì có nhiều dấu hiệu vi phạm như làm sai số CMND trong hợp đồng kinh tế, thu tiền nhưng không vào sổ, nộp tiền mặt nhưng chưa chuyển khoản, giải ngân thiếu gốc… nhằm lừa dối khách hàng.
Thanh Hóa: Huyện Hậu Lộc gây khó khăn cho doanh nghiệp?
Trong khi doanh nghiệp đang gõ cửa xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) từng m2 đất của các hộ dân để hình thành dự án, thì chính quyền địa phương lại gây khó dễ khiến doanh nghiệp lao đao.