Mỗi năm sẽ có 29-30 triệu con lợn phục vụ nhu cầu của thị trường
TCDN - Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo đề án phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040 với mục tiêu mỗi năm sẽ có 29-30 triệu con heo luôn sẵn sàng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương báo cáo, từ đầu năm đến nay, đã nhập khẩu hơn 110.000 tấn thịt lợn. Sắp tới, một mặt, chúng ta khẩn trương bù đắp nguồn thịt thiếu hụt bằng cách tái đàn, mặt khác là sẽ nhập khẩu thịt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, để làm chỉ số CPI ở mức vừa phải, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Về công tác bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, TPHCM đã chuẩn bị 110.000 tỷ đồng, Hà Nội hơn 31.000 tỷ đồng, Bắc Giang chuẩn bị hơn 20.000 tấn lợn... để đáp ứng nhu cầu thực phẩm, hàng hóa cho thị trường Tết Canh Tý.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng dự thảo đề án phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Trong dự thảo, Bộ NN-PTNT đặt ra các mục tiêu như sau: Đến năm 2030, sản lượng thịt xẻ sẽ phải đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 60-62%. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, thịt lợn còn dành xuất khẩu với tỷ trọng chiếm 15-20%.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sẽ chuyển dần sang chăn nuôi lợn với các giống lợn cao sản theo hướng trang trại công nghiệp.
Theo mục tiêu đề ra từ năm 2020 đến năm 2030, mỗi năm sẽ duy trì tổng đàn lợn với quy mô, số lượng có mặt thường xuyên khoảng 29-30 triệu con (trong đó chiếm tới 70% là nuôi trang trại, công nghiệp). Điều này có nghĩa, lúc nào cũng sẽ sẵn sàng khoảng 29-30 triệu con heo để tung ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhưng để tránh các bài học dịch bệnh như từng xảy ra, dự thảo đề xuất giải pháp: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2030 có ít nhất 20 vùng cấp huyện. Triển khai xây dựng bản đồ dịch tễ đối với những loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới. Đẩy mạnh sản xuất các loại vaccine, chế phẩm thuốc thú y trong nước có thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi…
Một số định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030:
Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29-30 triệu con, trong đó đàn lợn nái khoảng 2,5-2,8 triệu con; đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.
Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gà có mặt thường xuyên khoảng 400-450 triệu con, trong đó ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp. Tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên khoảng 100-120 triệu con, trong đó ít nhất 40% nuôi theo phương thức công nghiệp.
Chăn nuôi bò sữa: Đạt quy mô từ 600-650 nghìn con, trong đó ít nhất 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại.
Chăn nuôi bò thịt: Ổn định ở quy mô từ 6,0-6,5 triệu con, trong đó ít nhất 70% tổng đàn được nuôi trong các nông hộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899