Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu

01/09/2022, 08:39
báo nói -

TCDN - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Văn bản nêu rõ, ngày 16/6/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, thi hành án dân sự, cơ quan thuế, tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Mặt khác, tiếp tục nghiên túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42… Kịp thời báo cáo NHNN và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng; cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trần Nam
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

OceanBank rao bán lần thứ 5 khoản nợ xấu hơn 800 tỷ đồng
Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) rao bán lần thứ 5 khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD) với giá khởi điểm hơn 658 tỷ đồng, giảm hơn 150 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 3.
Ngành ngân hàng lên kế hoạch xử lý nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
ABBank 'chìm' trong nợ xấu
Tổng nợ xấu của ABBank tăng thêm gần 11%. Theo đó nợ xấu quý 2 của ABBank lên tới 1.788 tỉ đồng, đặc biệt nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 1.038 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ 175 tỉ đồng.