Ngành giao thông khép lại năm 2022 nhiều "bận rộn"
TCDN - Ngành giao thông vận tải khép lại năm 2022 với hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm được khởi công và hoàn thành, trong đó có siêu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của ngành luôn trong nhóm đầu.
Một năm 2022 đầy "bận rộn"
Năm 2022 chính là năm thứ hai mà ngành giao thông vận tải cùng toàn Đảng, toàn dân bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xử lý được khối lượng công việc khổng lồ có liên quan đến chuẩn bị cho siêu dự án siêu đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 năm 2021 - 2025 với 12 dự án thành phần có tổng chiều dài là 729 km, dự án cao tốc khu vực Tây Nguyên cùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này cũng đã góp phần duy trì được nhịp độ phát triển cho ngành giao thông vận tải trong thời gian từ 5 - 6 năm tới và quan trọng hơn đây chính là những dự án hạ tầng được kỳ vọng tạo động lực và mang đến sự thịnh vượng cho đất nước trong những năm tới.
Phía lãnh đạo Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cũng có chia sẻ rằng, để có thể kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Chính phủ cũng ra Nghị quyết triển khai, các đơn vị của Bộ cũng đã chú trọng để có thể hoàn thành việc thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán 12 dự án thành phẩm của đại dự án này.
Đây chính là khối lượng khổng lồ, bởi vì thường một dự án nhóm A như 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ phải mất ít nhất là 2 năm cho các công việc thiết kế đến dự toán cũng như chọn nhà thầu. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải thì thời gian triển khai các công việc đã được rút ngắn cũng như đảm bảo về chất lượng và trình tự thủ tục theo quy định.
Vào ngày 1/8/2022 chính là bước ngoặt lớn trong việc triển khai thu phí tự động không dừng khi mà Bộ Giao thông Vận tải đã đồng loạt vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC) ở tất cả các dự án BOT giao thông trên cả nước. Và điều này cũng đã góp phần minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi dành cho người tham gia giao thông.
Có thể thấy, một năm bộn bề công việc của ngành giao thông vận tải với những điểm nhấn trong việc triển khai hoạt động thu phí ETC ở các trạm thu phí BOT trên toàn quốc, tiến độ của các dự án trọng điểm cũng được đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Bộ giao thông vận tải luôn trong nhóm đầu, song song với đó là hoạt động vận tải cũng đang được phục hồi tốt.
Qua đó thấy được sự kiện ETC được triển khai là điểm nhấn của năm mà ngành giao thông vận tải đã quyết tâm làm được, thể hiện được quyết tâm chính trị lớn của ban lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan. Bởi vì khi nhìn lại chặng đường 7 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2015 với không ít lần lỡ hẹn.
Siêu dự án cao tốc Bắc - Nam
Ngành giao thông cũng đã hoàn thành 365 km cao tốc của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Trong đó thì có dự án Cam Lộ - La Sơn cũng được đưa vào khai thác năm 2022, thông xe kỹ thuật dự án thành phần đó là Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Và ba dự án theo mệnh lệnh của Chính phủ sau khi thông xe kỹ thuật cũng phải được khai thác ngay trong quý 1/2023.
Các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tiến hành phối hợp tích cực cùng với chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng cho dự án này. Vì thế mà kết thúc năm 2022 cơ bản các nhà thầu đã có mặt bằng để tiến hành triển khai thi công.
Tháng 12, ngành giao thông sẽ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
12 gói thầu tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 có tổng đầu tư 147.000 tỷ đồng. Các dự án thuộc khu vực Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Hiện công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu đã hoàn thành.
Cùng đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng sẽ khởi công nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng, công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất.
Có thể thấy, đây được đánh giá là nhiệm vụ thể hiện được quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải. Bởi vì việc hoàn thành các dự án này cũng gặp nhiều khó khăn đến từ dịch bệnh COVID-19 và bão giá nhiên vật liệu. Khó khăn rất lớn khi mà cả bốn dự án nói trên đang phải bước vào giai đoạn thi công nước rút ở trong điều kiện không thuận lợi về thời tiết và biến động giá.
Giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay
Trong Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 thì Bộ Giao thông Vận tải cũng được coi là một trong những đầu tàu quan trọng và được ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu rất lớn dành cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) - ông Lưu Quang Thìn cho biết: “Năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được giao hơn 55.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay”.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các Ban Quản lý dự án cũng khẳng định: đến ngày 31/1/2023 (đây là thời điểm hết năm tài chính) thì Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm sẽ giải ngân được tối thiểu 95% số vốn này.
Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng chính là một trong những bộ, ngành dẫn đầu ghi nhận có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, để có thể giải ngân được kết quả đúng như kỳ vọng thì ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT với những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Trong đó cũng có yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư mới/ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng và thường xuyên phối hợp với Cục, Vụ chuyên môn tiến hành rà soát khối lượng thực hiện.
Nhiều điểm sáng khác
Bên cạnh kết quả tích cực trên thì bức tranh tổng thể của ngành giao thông vận tải trong năm 2022 cũng phải nhắc đến điểm sáng đó chính là hoạt động vận tải. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, thị trường vận tải cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải hành khách.
Chi tiết, ở lĩnh vực hàng không, tổng lượng hành khách thông qua cảng hàng không ở trong năm 2022 ước tính đạt 100 triệu lượt so với 120 triệu lượt hành khách đạt được của năm 2019 (đây chính là thời điểm trước dịch). Còn vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ cũng như đường thủy cũng có sự tăng trưởng với mức hai con số.
Tính riêng lĩnh vực hàng hải thì khối lượng hàng hóa qua cảng biển dù cho đã bị chậm đà tăng trưởng so với những năm trước nhưng vẫn có thể duy trì ở mức tăng trưởng dương. Trong khi đó thì lĩnh vực đường sắt cũng được ghi nhận là đã bớt đi khó khăn khi mà sản lượng hàng hóa cũng như hành khách cũng đã có sự phục hồi khoảng 70% so với năm 2019.
Ngoài ra, trong năm 2022, việc đảm bảo an toàn giao thông trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt cũng đạt được kết quả tốt khi mà 3 tiêu chí là số vụ tai nạn, số người bị chết, bị thương đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ. Song song với đó chính là sự chuẩn bị tốt phương án phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo được sự đi lại an toàn ở trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán cũng như mùa lễ hội Xuân 2023.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899