Ngành Hải quan phải thu hồi gần 1.600 tỷ đồng tiền nợ thuế

16/04/2021, 11:05

TCDN - Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý khoản nợ thuế quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2021 cho các đơn vị với số tiền hơn 1.580,4 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý thuế quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2021 cho các đơn vị với số tiền hơn 1.580,4 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý thuế quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2021 cho các đơn vị với số tiền hơn 1.580,4 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Cục Hải quan Tp.HCM đứng đầu danh sách với chỉ tiêu được giao thu hồi và xử lý thuế quá hạn trên 1.041 tỷ đồng; tiếp đó là Hải quan Lào Cai với trên 311,6 tỷ đồng; Hải quan Bắc Ninh trên 97,3 tỷ đồng; Cục Kiểm tra sau thông quan trên 32,8 tỷ đồng; Hải quan Quảng Ngãi trên 26 tỷ đồng; Hải quan TP. Hà Nội trên 25,7 tỷ đồng; Hải quan Hà Nam Ninh trên 21,8 tỷ đồng; Hải quan Khánh Hòa trên 17,7 tỷ đồng; Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu trên 16,2 tỷ đồng; Hải quan Quảng Ninh trên 9,7 tỷ đồng; Hải quan Đồng Tháp trên 5,4 tỷ đồng; Hải quan Lạng Sơn trên 5,3 tỷ đồng, Hải quan Nghệ An trên 4,4 tỷ đồng; Cục Hải quan Đà Nẵng trên 4,8 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Giang trên 3 tỷ đồng; Cục Hải quan Đồng Nai trên 2,5 tỷ đồng…

Tổng cục Hải quan cho biết, đây là những khoản nợ thuế quá hạn bao gồm 100% khoản nợ thuộc nhóm nợ có khả năng thu và 100% khoản nợ thuộc nhóm nợ phạt vi phạm hành chính.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố không giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định, theo dõi, quản lý và đề xuất xử lý đối với các khoản nợ khó thu tại đơn vị.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng các cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện không để phát sinh các khoản nợ thuế mới trong năm 2021, triển khai ngay các giải pháp thu hồi nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định khi phát sinh nợ mới.

Cùng với đó, các Cục Hải quan cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu; đôn đốc các đơn vị và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp với tình hình thực tế theo từng tháng, từng quý và thực hiện tốt công tác xử lý nợ, phân loại, hoàn thiện các hồ sơ đủ điều kiện xóa nợ.

Đối với nợ thuế có khả năng thu hồi, các đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, quản lý chặt chẽ các khoản miễn, giảm thuế có điều kiện đối với nhóm hàng nhập khẩu để gia công, nhập để sản xuất hàng xuất khẩu…

Đồng thời, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm kiểm tra, thực hiện các biện pháp đôn đốc, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện việc thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn và đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Ngành Hải quan phải thu hồi gần 1.600 tỷ đồng tiền nợ thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nợ thuế, 5 doanh nghiệp bị dừng làm thủ tục hải quan
5 doanh nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh vừa bị Cục Hải quan Hải Phòng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên toàn quốc do không chấp hành thông báo thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp bị dừng làm thủ tục hải quan do chậm nộp thuế
Trong danh sách những doanh nghiệp bị lực lượng chức năng Hải Phòng ra quyết định dừng làm thủ tục hải quan gần đây do chậm nộp tiền thuế, nổi bật bao gồm Công ty E.ve Vina, Công ty thương mại Hoàng Quyến, Công ty thiết bị nhà bếp An Dương, Công ty Euro Connectinons.