Ngành thuế siết quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

18/04/2022, 16:40

TCDN - Tổng cục Thuế cho biết sẽ chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới cố tình gian lận, trốn thuế không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định.

Gần 5.000 tỷ đồng thu thuế được từ hoạt động thương mại điện tử

Tổng cục Thuế cho biết, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài). Hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng.

Trong năm 2021 (tính đến ngày 3/12/2021), số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook,... là 1.314 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 521 tỷ đồng; Google là 490 tỷ đồng; Microsoft là 164 tỷ đồng.

netflix

Tại buổi công bố, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và công bố triển khai Ứng dụng eTax Mobile mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đã đưa ra những nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

“Thực tiễn này đòi hỏi chúng ta cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới”, Bộ trưởng khẳng định.

Tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế

Để chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trong phạm vi địa bàn quản lý theo các nhóm đối tượng cụ thể như: doanh nghiệp có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (như Google, Facebook, Apple, Amazone…); doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng (như Booking.com, Agoda…); doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (như Sendo, Lazada, Shoppe…), điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán (như Vnpay, Airpay, Napas…), ứng dụng (App) trung gian vận chuyển (như Grab, Now, Baemin…).

Bên cạnh đó, các Cục Thuế cần tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền cho các tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, có phát sinh thu nhập từ các đơn vị sở hữu các nền tảng trực tuyến thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn chính sách thuế; chuyển thư ngỏ của Cơ quan thuế đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị nắm đầy đủ các nội dung về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của các tổ chức có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Đối với việc thực hiện phối hợp với các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, các Cục Thuế cần tăng cường công tác phối hợp để thu thập thông tin doanh nghiệp, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như (Facebook, Google, Youtube…).

Bên cạnh đó, các Cục Thuế  thực hiện tổng hợp, rà soát, đối chiếu thông tin dữ liệu các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, có phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài với thông tin quản lý thuế để kịp thời xác định các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định.

Trên cơ sở phân tích rủi ro để tăng cường, bổ sung các trường hợp thanh tra kiểm tra các tổ chức tại Việt Nam có tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch, hợp tác và sử dụng các dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến do các đơn vị nước ngoài cung cấp, các Cục Thuế đẩy mạnh thanh tra kiểm tra thực hiện rà soát tình hình kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài và thu thập thông tin về các công ty, tập đoàn nước ngoài đang cung cấp các hình thức quảng cáo xuyên biên giới hiện nay. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định, chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Tổng cục Thuế, để ngăn ngừa các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế (trong đó có liên quan đến Paypal) không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (như thanh toán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam...), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam, Văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam phối hợp, trao đổi, nghiên cứu các biện pháp nhận diện giao dịch liên quan Paypal đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, với mục tiêu quản lý và cung cấp theo quy định pháp luật cho các Cơ quan chức năng.

Do vậy, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục tăng cường rà soát, thực hiện phối hợp với các Cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện các hành vi kê khai, nộp thuế chưa đúng quy định và các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế nói chung và liên quan đến Paypal nói riêng để có các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Ngành thuế siết quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan