Ngành xây dựng Ấn Độ đang cứu ngành ngành thép toàn cầu
TCDN - Trong khi Mỹ và châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái, Ấn Độ đang dần trở thành “vị cứu tinh”, góp phần thúc đẩy nhu cầu thép toàn cầu.
Ngành thép toàn cầu sẽ không phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 do dịch chuyển cung- cầu có lợi cho thị trường cuối do tiêu thụ thép giảm nửa cuối năm 2022, Fitch Ratings dự báo.
Fitch Ratings kỳ vọng thu nhập của các nhà sản xuất thép toàn cầu sẽ thấp hơn đáng kể do suy thoái kinh tế toàn cầu đã kết thúc thời kỳ giá cao đặc biệt được hỗ trợ bởi nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch. Thị trường thép toàn cầu sẽ bình thường hóa vào năm 2023 với khối lượng tương tự như mức năm 2021, ngoại trừ Trung Quốc.
Hoạt động xây dựng bùng nổ ở Ấn Độ
Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Lĩnh vực xây dựng của đất nước Nam Á đang trong giai đoạn bùng nổ, tờ Bloomberg đưa tin.
Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách hiện đại hoá hệ thống đường xá, đường sắt và cầu cảng nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Ấn Độ sẽ tăng 6,7% lên khoảng 120 triệu tấn vào năm tới. Đây sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Vài năm trước, Ấn Độ đã vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ thép lớn thứ hai toàn cầu, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Jayant Acharya - Phó Giám đốc điều hành tại JSW Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ - cho hay: “Giai đoạn xây dựng quốc gia của bất kỳ nền kinh tế lớn nào đều cần rất nhiều thép và hàng hoá”.
Jayant nói Ấn Độ đang trải qua giai đoạn đó trong thập kỷ hiện tại. Nhu cầu thép của nước này có thể vọt lên hơn 200 triệu tấn vào năm 2030. Triển vọng tươi sáng của ngành thép tại Ấn Độ đã thúc đẩy doanh nghiệp thép tăng công suất.
ArcelorMittal Nippon Steel India, liên doanh giữa tập đoàn Mittal của Ấn Độ và hãng Nippon Steel của Nhật Bản, có kế hoạch tăng gấp ba công suất lên 30 triệu tấn trong thập kỷ tới.
Nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco Holdings và ông trùm Gautam Adani - người giàu nhất Ấn Độ cũng như châu Á - cũng đang tìm cách xây dựng nhà máy mới tại quốc gia đông dân này.
Hiện tại Ấn Độ đang sản xuất phần lớn lượng thép mà nước này sử dụng. Tuy nhiên, họ cũng đang phải nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Theo số liệu của chính phủ, so với cùng kỳ năm trước, lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay đã tăng 15% lên 3,1 triệu tấn.
Các công ty địa phương đang trở nên lo lắng về lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập trên thị trường.
Trung Quốc đang chiếm hơn một phần tư lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10. Ngoài ra, một số thép của Nga cũng đã tìm đường đến Ấn Độ, dữ liệu của chính phủ cho thấy.
Ông A. K. Hazra, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thép Ấn Độ, đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét vấn đề, bởi chất lượng của một số lô thép “không đạt tiêu chuẩn”.
“Chúng tôi muốn thép nhập khẩu phải có giá cạnh tranh, đồng thời chất lượng phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Ấn Độ”, ông Hazra bày tỏ.
Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc về tiêu thụ thép
Mặc dù nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc về tổng lượng thép tiêu thụ. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu của Ấn Độ trong năm tới là chưa bằng 1/7 con số 914 triệu tấn của Trung Quốc.
Liệu Ấn Độ có thể thu hẹp cách biệt với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không phụ thuộc vào sự thành công của các gói đầu tư xây dựng mà Thủ tướng Modi đã triển khai.
Bộ Tài chính Ấn Độ ước tính để hoàn thành dự án Hệ thống Cơ sở Hạ tầng Quốc gia, nước này sẽ cần nguồn ngân sách khoảng 1.400 tỷ USD từ nay đến năm 2025.
Ông Jayanta Roy, Phó giám đốc cấp cao của ICRA (chi nhánh Ấn Độ của Moody’s), nhận định cú sốc bất động sản và tác động kéo dài của đại dịch sẽ khiến nhu cầu thép của Trung Quốc bị kìm hãm trong năm tới.
“Về lâu dài, một mặt, nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Mặt khác, nhu cầu sẽ phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc”, ông Roy dự đoán.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899