Nghị quyết 98 "cởi trói" cho nhiều dự án
TCDN - Nghị quyết 98/QH15 tạo nhiều cơ chế đặc thù cho Tp.HCM, nhất là các dự án đầu tư công, như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và các dự án khác. Tuy nhiên, theo chuyên gia sẽ khó tránh khỏi khó khăn trong việc vận dụng các quy định pháp luật và bất cập trong việc triển khai trên thực tế.
Sớm thúc đẩy các dự án
Liên quan đến các vấn đề pháp lý cũng như việc vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 vào thực tiễn Tp.HCM để thực hiện các dự án đầu tư công, như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và các dự án khác, PV đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư (LS) Nguyễn Thanh Trung, Đoàn Luật sư Tp.HCM, Điều hành Công ty Luật TNHH HT Legal VN.
Thưa LS, Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) sẽ được vận dụng, tính toán như thế nào trong thời gian tới, để giải quyết các vướng mắc, "đắp chiếu" thời gian qua?
LS Nguyễn Thanh Trung: Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định: “Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền và được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng”.
Đối chiếu với Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) là hình thức đầu tư: Xây dựng - Chuyển giao (BT), chủ đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Tập đoàn Trung Nam). Vậy, dự án này được xác định là dự án dựa trên Hợp đồng xây dựng – chuyển giao được quy định tại Nghị quyết số 98.
Căn cứ vào các điều khoản của Nghị quyết số 98 về Quản lý đầu tư thì Hội đồng nhân dân Thành phố là cơ quan quyết định dự toán, phân bổ và sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án. Trong đó, Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại.
Đồng thời, theo phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký ngày 18/11/2019 giữa UBND Tp.HCM và nhà đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng hết hạn vào ngày 26/6/2020 nhưng đến nay, UBND Tp.HCM vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn. Vì vậy dự án không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai.
Từ các quy định trên áp dụng theo Nghị quyết số 98 và tình hình thực tế, để giải quyết vướng mắc này các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức đàm phán ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Trong đó, điều chỉnh thời gian giải ngân tái cấp vốn, điều chỉnh thời gian thanh toán đầu kỳ đến khi công trình hoàn thành. Đồng thời, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thúc đẩy thời gian giải ngân để dự án tiếp tục triển khai thực hiện.
Dự án có cấp bách hay không?
Nghị quyết 98 đã nêu những cơ chế đột phá trong việc kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án mang tính cấp bách. Như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có được coi là “mang tính cấp bách” hay không, thưa Luật sư?
LS Nguyễn Thanh Trung: Về mặt nghĩa, “cấp bách” đồng nghĩa với “khẩn cấp” đều là tính từ chỉ rất gấp, không thể chậm trễ và phải giải quyết ngay. Căn cứ Khoản 14 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 quy định: “Dự án đầu tư công khẩn cấp là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền” cũng như các điều quy định tại luật khác (như Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) thì Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng thuộc dự án nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, để đánh giá chính thức Dự án này có “mang tính cấp bách”, là công trình xây dựng khẩn cấp thì cần phải xác định dựa trên quyết định của Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền.
Với mục tiêu của dự án, có thể thấy dự án này khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Tp.HCM. Đồng thời, giúp Thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Vì vậy, đây là dự án ý nghĩa, thiết thực đối với người dân Tp.HCM nói riêng và Nhà nước nói chung.
Đứng dưới góc độ xã hội, dự án này hoàn toàn được xem là mang tính cấp bách và cần sớm ngày tái khởi động.
Việc thu hút các nhà đầu tư để đầu tư các dự án lớn như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ có những thuận lợi/ khó khăn nào khi áp dụng Nghị quyết 98, thưa LS?
LS Nguyễn Thanh Trung: Về thuận lợi, có thể thấy, Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố khi áp dụng sẽ tạo điều kiện tận dụng tốt nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của nhà đầu tư và góp phần tạo động lực để phát triển Tp.HCM.
Tuy nhiên cũng có nhưng khó khăn, thách thức nhất định. Nghị quyết 98 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023, vì vậy đây vẫn là Nghị quyết được ban hành khá mới, điều này dẫn đến sẽ khó tránh khỏi khó khăn trong việc vận dụng các quy định pháp luật và bất cập trong việc triển khai trên thực tế.
Điển hình, như đối với Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trên với kinh phí dự án là 10.000 tỷ đồng là con số không hề nhỏ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xét xét kỹ và ban hành quyết định triển khai các dự án phải đảm bảo về yếu tố tài chính, tránh tình trạng các dự án có quy mô lớn nhưng thời gian thi công bị kéo dài.
Như Tài chính doanh nghiệp đã thông tin: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động sau 3 năm. Tuy vậy, đến nay đã 7 năm, dự án vẫn chưa thể về đích sau “năm lần bảy lượt” gia hạn, tạm dừng thi công, ký phụ lục hợp đồng.
Hiện 5 cống gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Cây Khô và Phú Định vẫn “án binh bất động”, còn Cống Mương Chuối đã bắt đầu thi công trở lại từ tháng 03/2023. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 12/7, trên công trường chỉ lác đác vài công nhân làm việc theo kiểu cầm chừng.
Về nguyên nhân chưa tái khởi công ở khu vực 5 cống còn lại và tiến độ giải quyết các vướng mắc hợp đồng BT, PV đã nhiều lần liên hệ đến Tập đoàn Trung Nam nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899