Nguyên Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM bị bắt

15/04/2021, 15:00

TCDN - Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ông Phạm Vũ Hải, nguyên Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM, để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 15/4, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Nhà máy ôtô VEAM, thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Vũ Hải, nguyên Giám đốc nhà máy ô tô VEAM, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Hải.

Bị can Phạm Vũ Hải tại cơ quan điều tra - Ảnh: CA.

Bị can Phạm Vũ Hải tại cơ quan điều tra - Ảnh: CA.

Trước đó C03 cũng đã khởi tố vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Nhà máy ô tô VEAM. Trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Toàn - Phó giám đốc Nhà máy ô tô VEAM và bà Trần Thị Thanh Tâm - cán bộ Nhà máy ô tô VEAM - về tội "tham ô tài sản" và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam.

Mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ban hành kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty cổ phần Thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.

Kết quả điều tra xác định các hành vi sai phạm của bị can Trần Ngọc Hà - cựu chủ tịch HĐQT, cựu tổng giám đốc VEAM - dẫn tới VEAM thất thoát tiền của Nhà nước hơn 135 tỉ.

Cũng theo kết luận điều tra, từ các nguồn vốn vay của VEAM, vốn vay ngân hàng và vốn tự có, Vetranco đã lập các hợp đồng khống mua bán hàng hóa lòng vòng, chuyển tiền cho các doanh nghiệp vay trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 183 tỉ.

VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công thương, được thành lập ngày 12.5.1990, với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Mặc dù nhiều sản phẩm VEAM sản xuất không có tính cạnh tranh, song VEAM vẫn hoàn thành tốt với hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Điều này nhờ phần lớn lợi nhuận từ các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%).

Mai Anh
Bạn đang đọc bài viết Nguyên Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM bị bắt tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Công Thương muốn 'rút' VEAM khỏi danh mục thoái vốn trong năm 2020
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, không đưa vào danh mục doanh nghiệp phải thoái vốn đến hết năm 2020.
Bắt giam Phó giám đốc nhà máy ô tô VEAM
Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc nhà máy ôtô VEAM và thuộc cấp vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam vì bị cáo buộc Tham ô tài sản.