Nhà đầu tư cá nhân lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán
TCDN - Nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đi ngược lại xu hướng phòng thủ của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán.
Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu do Bank of America Merrill Lynch’s thực hiện hàng tháng, số nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ V đã giảm từ 18% của tháng 6 xuống 14% trong tháng 7, trong khi các dự báo hồi phục theo mô hình U hoặc W tăng lên (lần lượt là 44% và 30%).
Có tới 71% các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát cho rằng cổ phiếu đã vượt giá trị thực và giữ quan điểm thận trọng, chuẩn bị cho các tin xấu hơn từ thị trường.
Bất chấp các căng thẳng leo thang với cả Mỹ và Ấn Độ, truyền thông nhà nước Trung Quốc có vẻ đã thành công trong việc truyền tải thông điệp lạc quan về triển vọng hồi phục của nền kinh tế và sức mạnh hỗ trợ thị trường của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán bật tăng mạnh mẽ sau chính quyền Trung Quốc khuyến khích người dân mua cổ phiếu.
Chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc phục hồi mạnh lên 52,8 và sức hấp dẫn từ thị trường chứng khoán (chỉ số Shanghai Composite +11%) đã kéo dòng vốn ngoại trở lại Trung Quốc trong nửa đầu tháng 7 và rút ròng trở lại trong nửa cuối tháng nhưng tính chung lại vẫn +5 tỷ USD trong cả tháng 7, tập trung vào các quỹ ETF do Trung Quốc quản lý.
Cùng với thị trường Trung Quốc, các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu cũng là điểm sáng hút vốn khi dòng tiền liên tục tăng lên, tổng cộng +9,5 tỷ USD trong tháng 7. Nếu loại trừ 2 nhóm quỹ này, trong tháng, dòng vốn vẫn rút ròng khoảng – 9,2 tỷ USD khỏi cổ phiếu (theo EPFR).
Quỹ đầu tư toàn cầu chủ yếu huy động dòng tiền đầu tư từ các cá nhân. Từ đó cho thấy, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đi ngược lại xu hướng phòng thủ của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán.
Bởi vậy, biên độ dao động các thị trường chứng khoán sẽ mạnh hơn.
Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào trái phiếu (+68,9 tỷ USD) trong đó nhiều nhất là vào trái phiếu các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia…).
Nền kinh tế Mỹ lao đao trong cơn bão Covid-19 và các bất ổn chính trị do cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần đã khiến USD trở lên kém hấp dẫn trong mối tương quan với các đồng tiền khác, đặc biệt là EUR.
Ngoài việc đi trước Mỹ trong khống chế dịch bệnh, EU còn thể hiện sự gắn kết được cải thiện khi thông qua được gói cứu trợ chung trị giá 750 triệu EUR. Trong tháng 7, dòng vốn rút mạnh khỏi các quỹ tiền tệ Mỹ (-58 tỷ USD) và liên tục đổ vào các quỹ tiền tệ Tây Âu (+54,6 tỷ USD).
Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) đã giảm từ 97,4 về 93,3 trong khi EUR tăng tới 4,8% trong tháng 7.
USD giảm giá mạnh sẽ khiến các tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi và khu vực Châu Á nói riêng hấp dẫn hơn.So với các nền kinh tế mới nổi ở châu Mỹ, Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi (EMEA).
Tình hình Covid-19 khu vực châu Á (ngoại trừ Ấn Độ) nhìn chung vẫn đang được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 7 cải thiện mạnh ở hầu hết các nước khiến dòng tiền vào cổ phiếu các nền kinh tế mới nổi khu vực Châu Á sẽ tích cực hơn.
Đặc biệt ở một số nước có sức hấp dẫn riêng. Ví dụ như Đài Loan, nước này kiểm soát tốt dịch bệnh, quan hệ thương mại tốt với Trung Quốc và có công nghiệp công nghệ cao phát triển đã khiến các quỹ đầu tư vào TTCK Đài Loan tăng 7% AUM trong suốt Q2.2020.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899