Bộ Tài chính: Hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường chứng khoán

17/08/2020, 21:20

TCDN - Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam về các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan điểm điều hành thị trường chứng khoán (TTCK) trong giai đoạn hiện nay là phải đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường.

Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp cần thiết có thể xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh biên độ dao động giá hoặc tạm ngừng giao dịch (đóng cửa thị trường).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chưa cần thiết phải sử dụng các biện pháp đó. Bộ Tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để cân nhắc áp dụng khi thực sự cần thiết.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 127/2018 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo hướng giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán. Việc giảm này sẽ được kéo dài đến hết 30/6/2021.

Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, việc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa phải thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cũng là một trong các giải pháp đã tạo thêm nguồn cung cho TTCK.

Về việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 10340.BTC-UBCK ngày 4/9/2019 trong đó kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy việc niêm yết, đăng ký giao dịch của DNNN cổ phần hóa, cụ thể: “Yêu cầu các Bộ ngành chủ quản thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện rà soát, phân loại danh sách các DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch, có hình thức kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Đến nay, Bộ Tài chính đã ra quyết định xử phạt đối với 42 doanh nghiệp và nhắc nhở 23 trường hợp.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các doanh nghiệp FDI được chấp thuận chuyển đổi thành công ty cổ phần được niêm yết/đăng ký giao dịch.

Về vấn đề xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính khẳng định, đối với TPDN phát hành ra công chúng bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Do đó, sau khi phát hành, TPDN phát hành riêng lẻ không niêm yết.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong quá trình phát hành Trái phiếu.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính: Hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường chứng khoán tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tăng tốc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Hết hết quý II/2020 hoạt động trái phiếu lại tăng mạnh. Theo nhận định của các chuyên gia, cho đến trước tháng 9/2020, có thể các tổ chức sẽ tận dụng khoảng thời gian còn lại để phát hành thêm trái phiếu trong điều kiện dễ dàng hơn.