Nhà máy ximăng xóa sổ di sản: Hải Phòng có im lặng?

12/08/2016, 05:41

TCDN -

Việc điều chỉnh công suất Nhà máy xi măng Tân Phú Xuân, Hải Phòng là chưa phù hợp, lãng phí và sẽ xóa sổ quần thể di tích, văn hóa lịch sử.

Chưa phù hợp

Liên quan đến việc UBND TP Hải Phòng ra văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều chỉnh công suất nhà máy lên 1,4 triệu tấn/năm và triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2015 – 2018, TS. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) TP Hải Phòng cho rằng cần phải xem xét lại quyết định này.

Theo TS Kể, căn cứ vào thị trường xi măng trong và ngoài nước thời gian gần đây, nếu Hải Phòng đồng ý để Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân được điều chỉnh công suất lên 1,4 triệu tấn/năm thì sẽ lãng phí và không sử dụng hiệu quả.

TS Kể dẫn chứng: “Thực tế tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu năm 2015 ước chỉ đạt 72,7 triệu tấn. Trong đó tiêu thụ nội địa: 56,5 triệu tấn, xuất khẩu 16,25 triệu tấn.

Như vậy thực tế tiêu dùng chỉ bằng 95,6% dự báo và chỉ bằng 80% tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng hiện có. Chưa kể khi cần các nhà máy có thể hoạt động, sản xuất vượt công suất thiết kế.

Trong những năm tới khi Việt Nam thực hiện đầy đủ TPP với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cùng chơi trên một sân chung hàng hóa các nước ký kết TPP có giá thành rẻ, chất lượng đạt tiêu chuẩn sẽ nhập vào nước ta, trong đó có xi măng. Chắc chắn sản xuất, tiêu thụ xi măng sẽ khó khăn hơn, nhu cầu đầu tư mới các nhà máy xi măng sẽ phải cân nhắc kỹ càng.

Ngoài ra, tình hình hiện tại và trong vài ba năm tới xi măng vẫn trong tình trạng cung vượt cầu thì việc đầu tư mới, điều chỉnh công suất các nhà máy xi măng trên phạm vi cả nước cũng như ở Hải Phòng là không phù hợp, thỏa đáng và thuyết phục”.

Việc điều chỉnh công suất Nhà máy xi măng Tân Phú Xuân, Hải Phòng là chưa phù hợp, lãng phí và sẽ xóa sổ quần thể di tích, di sản văn hóa lịch sử.

ên cạnh đó, TS Kể khẳng định, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực tài chính, quản lý của chủ đầu tư trong thời gian qua hết sức yếu kém.

Cụ thể, trong 11 năm từ tháng 3/2005 đến tháng 2/2016 cả thành phố, Bộ Xây dựng và Chính phủ mất rất nhiều thời gian vào việc nghiên cứu, thẩm tra, kiểm tra thực địa các tờ trình, đề án đầu tư, điều chỉnh nâng công suất của chủ đầu tư tới 3 lần. Tuy nhiên trên thực tế hiện tại chỉ có 1 xưởng sản xuất xi măng lò đứng công suất nhỏ, đầu tư tạm bợ, chất lượng sản phẩm kém, không tiêu thụ được, xây dựng chui đã dừng sản xuất gần 2 năm nay.

“Vậy cơ sở khoa học, thực tiễn nào mà các ngành báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP để trình Thường trực Thành ủy: “Công nghệ của Dự án tương đối tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao, tiêu hao nhiên liệu ít, chất lượng sản phẩm cạnh tranh và đảm bảo môi trường…” và “Năng lực của chủ đầu tư: Hiện chủ đầu tư tổ chức sản xuất xi măng lò đứng và khai thác vật liệu xây dựng có hiệu quả, năng lực tài chính và điều hành hoạt động tốt”.

Từ chỗ lấy cớ đầu tư một dự án chui, xập xệ, không sản xuất được do công nghệ lạc hậu, lỗi thời, chi phí, giá thành cao, chất lượng kém để nhằm mục đích chính là xin được khai thác các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường bán ra thị trường trong suốt 11 năm qua tiến tới đề nghị đầu tư nhà máy 410.000 tấn/năm (2005), điều chỉnh lên 910.000 tấn/năm (2011), và lần này xin điều chỉnh lên 1,4 triệu tấn/năm với vốn đầu tư 145 triệu USD, trong đó vay thương mại 80%”, TS Kể đặt câu hỏi.

Xóa sổ quần thể di tích, di sản văn hóa lịch sử

Ngoài ra, một vấn đề khác mà Chủ tịch Liên hiệp hội TP Hải Phòng lo ngại đó là việc điều chỉnh công suất và triển khai đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Tân Phú Xuân tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên sẽ xóa sổ quần thể di tích, di sản văn hóa lịch sử Thành Dền – Đấu Đong.

“Hiện tại núi Dền, di tích bức tường thành, khu vực ngôi mộ cổ và một số điểm khác của quần thể vẫn thường xuyên bị xâm hại, đào bới, khai thác đất đá, di tích núi Bụt Mọc được cấp phép, đang khai thác ào ạt làm vật liệu xây dựng thông thường, tiến tới làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng 1,4 triệu tấn/năm của Công ty xi măng Tân Phú Xuân thì cả quần thể di tích, di sản Thành Dền – Đấu Đong sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”, TS Kể lo lắng.
Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy ximăng xóa sổ di sản: Hải Phòng có im lặng? tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận