Nhận mưa tiền thưởng: Nên miễn hay áp thuế thu nhập với các tuyển thủ VN?

11/12/2019, 08:50

TCDN - Với chức sự vô địch của đội tuyển bóng đá nam và nữ cùng nhiều huy chương vàng các môn thể thao khác tại SEA Games 2019, các tuyển thủ chúng đang “ngập trong mưa tiền thưởng” mà các tổ chức, cá nhân trao tặng. Vậy số tiền này phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thế nào?

Annotation 2019-12-11 082139

Để xem xét có thu thuế TNCN của các tuyển thủ hay không và thu như thế nào cần xem xét 2 trường hợp:

Một là, tổ chức, cá nhân thưởng cho tuyển thủ với tư cách thưởng của tổ chức, cá nhân cho một tổ chức (VFF).

Trong trường hợp này VFF với vai trò là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp có thu... do đó VFF nhận được các nguồn thu thông thường là:

(i) Thu từ các khoản thưởng của tổ chức, cá nhân đã hứa và thực tế đã thưởng gọi là thu nhập khác (hoạt động khác); (ii) Thu hộ từ các khoản thưởng từ các tổ chức, cá nhân cho các tuyển thủ sau đó thực hiện chi trả thưởng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân đã thưởng (đóng vai trò là trung gian thu hộ, chi hộ).

Trường hợp (i): Thu từ các khoản thưởng của tổ chức, cá nhân đã hứa và thực tế đã thưởng dưới gọi là thu nhập khác: Khi đó VFF không phải kê khai tính thuế giá trị gia tăng bởi đây là các khoản tiền thưởng (Khoản 1điều 5 của Thông tư 219/2013/TT-BTC) nhưng vẫn phải nộp thuế TNDN là 2%. Bởi vì, khoản thu này không mang tính chất kinh doanh, là thu nhập từ hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, còn lại 98% là khoản thu nhập của VFF, sau đó việc phân chia thu nhập, thưởng cho các tuyển thủ và các thành viên của VFF như thế nào do VFF quyết định trên cơ sở quy chế nội bộ của VFF đã ban hành hoặc quyết định.

Trong trường hợp này các tuyển thủ Việt Nam nhận được khoản tiền thưởng từ VFF được coi là thu nhập từ tiền lương, tiền công và phải chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định trong Thông tư 111/2013/TT-BTC với mức thuế tối đa 35% (nếu thu nhập tính thuế bình quân tháng trên 80 triệu đồng). Giả sử mức tiền thưởng là 50 tỷ đồng thì tổng mức thuế TNCN của các tuyển thủ tính nhanh gần 17,5 tỷ đồng (30 tỷ x 35%).

Trường hợp (ii): VFF thực hiện thu hộ từ các khoản thưởng từ các tổ chức, cá nhân cho các tuyển thủ sau đó thực hiện chi trả thưởng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân đã thưởng. Trong trường hợp này sẽ được trình bày ở mục iii phần thứ 2 dưới đây.

Hai là, tổ chức, cá nhân thưởng trực tiếp cho các tuyển thủ thông qua VFF là trung gian nhận hộ sau đó chi hộ.

Tình huống này có 2 trường hợp:

+Trường hợp (iii): Nếu các tổ chức, cá nhân thưởng trực tiếp cho các tuyển thủ thông qua đơn vị (tổ chức VFF) trung gian nhận hộ, chi hộ nhưng nếu hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế hoạt động của VFF đã có văn bản thỏa thuận giữa VFF và các tuyển thủ có quy định rằng: Tất cả các khoản thu nhận được từ tiền thưởng (được biếu tặng) cho các tuyển thủ đều thuộc VFF sau đó VFF sẽ phân chia tiền thưởng cho các tuyển thủ … theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Khi đó việc xác định thuế của VFF (GTGT, TNDN) và Thuế TNCN của các tuyển thủ được coi là thu nhập từ tiền lương, tiền công và được tính như trường hợp (i) nêu tại phần 1 ở trên.

+ Trường hợp (iv): Nếu các tổ chức, cá nhân thưởng trực tiếp cho các tuyển thủ thông qua đơn vị (tổ chức VFF) trung gian nhận hộ, chi hộ đồng thời các khoản thưởng này VFF không được thụ hưởng mà chỉ đóng vai trò nhận hộ sau đó chi trả lại cho các tuyển thủ theo yêu cầu của người thưởng (tổ chức, cá nhân đã thưởng). Hay nói cách khác là các tuyển thủ được nhận tiền thưởng từ các tổ chức, cá nhân đã thưởng như một khoản thu nhập từ quà biếu, quà tặng từ tổ chức, cá nhân bên ngoài.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 10 điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì Khoản thu nhập từ quà biếu, quà tặng (tiền thưởng) nhận được phải chịu thuế chỉ bao gồm những tài sản gắn liền với quyền sở hữu như: Nhà, bất động sản, xe ô tô, mô tô, cổ phiếu, phần vốn góp… như vậy nếu thưởng bằng tiền thì Luật thuế của chúng ta chưa quy định thu thuế TNCN.

Do đó các tuyển thủ không phải nộp thuế TNCN trong trường hợp nhận thưởng bằng tiền từ các tổ chức, cá nhân.

Mặt khác, theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì tiền thưởng từ các danh hiệu đạt huân, huy chương theo quy định cũng không phải nộp thuế TNCN.

Tóm lại: Nếu khoản tiền thưởng mà tổ chức, cá nhân thưởng cho VFF hoặc thưởng cho các tuyển thủ thông qua VFF sau đó VFF phân chia lại theo quy chế của VFF (VFF được hưởng lợi ích) thì các tuyển thủ phải nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần với mức tối đa là 35% trường hợp (i) và trường hợp (iii)

Nếu khoản tiền thưởng mà tổ chức, cá nhân thưởng trực tiếp cho các tuyển thủ hoặc thông qua VFF là đơn vị trung gian thu hộ mà VFF không được thụ hưởng thì các tuyển thủ không phải nộp thuế TNCN (trường hợp iv)

Nếu các khoản tiền thưởng của nhà nước gắn với các danh hiệu thì không phải nộp thuế TNCN dưới mọi hình thức.

* Công Ty TNHH Kế toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín kiến nghị:

Việc thu thuế TNCN của các tuyển thủ theo các trường hợp nêu trên vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật nhằm đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Hiến pháp, Pháp luật.

Nếu xét trên bình diện pháp lý thì chúng tôi tin tưởng rằng các tuyển thủ phải đóng thuế (nếu có) cũng là lẽ bình thường, phù hợp với pháp luật và là niềm tự hào được đóng thuế thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước như những gì các tuyển thủ đã thi đấu cho niềm tự hào của Việt Nam chúng ta.

Nếu xét trên bình diện “cái tình” thì các tuyển thủ có lẽ còn phải được nhận nhiều phần thưởng xứng đáng hơn nhiều bên cạnh món quá tinh thần vô giá đó là “tình yêu của người hâm mộ”. Do đó Chính phủ và các Mạnh thường quân cần có thêm nhiều khoản thưởng bổ sung bù đắp lại phần thuế TNCN mà các tuyển thủ phải nộp (nếu có). Điều này vừa đảm bảo tính tuân thủ pháp luật nghĩa là ai cũng phải đóng thuế đồng thời đảm bảo sự quan tâm thiết thực đối với các vận động viên, các tuyển thủ  với những chiến tích lịch sử mà họ mang lại cho nền Bóng đá Việt Nam.

Tạm tính đến đêm ngày 10/12, số tiền thưởng được các doanh nghiệp, doanh nhân hứa thưởng cho các cầu thủ, ban huấn luyện U22 Việt Nam đã lên tới gần 10 tỷ đồng, chưa kể phần thưởng là các sản phẩm, dịch vụ.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thưởng nóng cho đội U22 Việt Nam 1 tỉ đồng. VFF cũng quyết định thưởng nóng cho đội tuyển U22 Việt nam 2 tỉ đồng. Trước đó VFF cũng đã thưởng cho đội tuyển 1 tỉ đồng sau thành tích lọt vào đến trận chung kết. Chủ tịch Công ty Golf Long Thành, Lê Văn Kiểm cho biết, sẽ tặng đội bóng đá nam 1 tỷ đồng. Trước đó, ông cũng đã thưởng "nóng" một tỷ cho đội nữ Việt Nam.

Một tỷ cũng là số tiền các đơn vị như Vietcombank, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn F.I.T, Tập đoàn C.T cam kết thưởng U22 Việt Nam. Công ty Vinamilk hứa sẽ thưởng 500 triệu đồng. Ngoài tiền, các cầu thủ, ban huấn luyện đội bóng đá nam, nữ còn nhận được gói nghỉ dưỡng tại một trong các resort cao cấp của Sun Group.

Tổng trị giá của giải thưởng này khoảng 3 tỷ đồng. Tuyển U22 Việt Nam cũng được Tập đoàn C.T tặng một chuyến nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu. Bamboo Airways cho biết, tặng cầu thủ, ban huấn luyện cả hai đội nam và nữ một năm bay miễn phí. Chính sách tương tự cũng được Vietjet áp dụng, nhưng doanh nghiệp này còn tặng thêm chuyến bay miễn phí cho cả người thân các cầu thủ.

Riêng Đoàn Văn Hậu có thể nhận 300 triệu đồng, trong đó 100 triệu từ Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco), 200 triệu từ thương hiệu Metro Star của C.T Group. Ngoài ra, Vingroup cũng đã tuyên bố sẽ trao thưởng dù chưa công bố con số cụ thể.

Tác giả là chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín (TP.HCM)

Bạn đang đọc bài viết Nhận mưa tiền thưởng: Nên miễn hay áp thuế thu nhập với các tuyển thủ VN? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chi phí doanh nghiệp trả lương HLV Park Hang Seo, thưởng cầu thủ, tính thuế thế nào?
Số tiền khủng tài trợ bóng đá, trả lương cho HLV, thưởng cầu thủ... doanh nghiệp hạch toán thế nào? Chính sách thuế quy định ra sao? Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc công ty TNHH Kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ cùng Tài chính Doanh nghiệp: