Nhiều điểm trong Luật Thuế TNCN cần sửa đổi

03/11/2023, 09:22
báo nói -

TCDN - Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014) có những bất cập, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay và cần phải sửa đổi.

Sửa đổi, bổ sung thuế TNCN nhiều lần

Bắt đầu từ năm 1990, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 1/4/1991; đến năm 2007, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Luật Thuế TNCN với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép áp dụng giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Theo khoản 2 Điều 22 của Luật Thuế TNCN thì Biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Bộ Tài chính khẳng định, thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nhiều bất cập, chưa theo kịp biến động mức lương, giá cả, lạm phát

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Ông Lâm dẫn chứng, thuế TNCN hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Trước đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7/2020. Mức này không còn phù hợp so với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

Theo phân tích của bà Mai, hiện hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập của họ không tăng, thậm chí giảm.

Tại các khu đô thị, người dân hay phải thuê trọ, khi tiền điện, tiền nước và giá cả hàng hóa đều tăng. Bên cạnh đó, gia đình có con em đi học cũng phải gánh thêm nhiều chi phí.

Theo đánh giá của bà Mai, với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế, thuế TNCN được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. Theo bà Mai, giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn.

Do đó, bà Mai kiến nghị sớm sửa chính sách thuế TNCN, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động và chính sách thuế bắt kịp kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ - TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNCN báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã có Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó đã đề xuất xây dựng dự án các luật thuế trong đó, đối với Luật thuế TNCN (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2026.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, đối với mức giảm trừ gia cảnh, theo ông Tuấn, Quốc hội đã đưa vào quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với mức giảm trừ gia cảnh trước đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp không cần chờ sửa luật. 

Nghị quyết chung kỳ họp 5 Quốc hội khóa XV cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Nhiều điểm trong Luật Thuế TNCN cần sửa đổi tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan