Nhiều sai phạm trong công tác quản lý viên chức và tài chính

01/07/2020, 15:54

TCDN - Là cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật hàng đầu tại phía Nam, nhưng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh liên tục bị phát hiện phạm luật. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải nhiều lần giải quyết nhưng đến nay, câu chuyện sai phạm tại đây vẫn chưa có hồi kết.

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh - nơi có nhiều lùm xùm trong những năm qua vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: PH

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh - nơi có nhiều lùm xùm trong những năm qua vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: PH

Ngay từ năm 2017, từ những lá đơn tố cáo đối với bà Mai Hồng Quỳ, thời điểm này đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sai phạm trong việc tuyển dụng và bố trí cán bộ, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thành lập Tổ Xác minh tố cáo.

Kết quả xác minh cho thấy, trong việc tuyển dụng, giao phụ trách kế toán đối với bà Nguyễn Thu Hương, bà Mai Hồng Quỳ và Ban Giám hiệu đã làm trái Luật Viên chức. Được bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng trước khi được tuyển dụng ngạch kế toán.

Cụ thể, ngày 8/7/2013, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh mới có quyết định về việc tuyển dụng viên chức đối với bà Nguyễn Thu Hương vào ngạch Kế toán viên, trong khi trước đó gần 3 tháng, chính xác là ngày 24/4/2013, bà Hương đã được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính.

Việc bổ nhiệm bà Hương làm Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính khi chưa là viên chức là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức.

Đến ngày 2/3/2015, bà Hương còn được giao phụ trách kế toán và sau đó được đề nghị bổ nhiệm Kế toán trưởng khi chưa đủ điều kiện bổ nhiệm (Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng của bà Hương đã quá thời hạn 5 năm theo quy định).

Bên cạnh đó, theo quy định, đơn vị được cử người phụ trách kế toán trong thời hạn tối đa là 1 năm tài chính, nhưng bà Hương lại được giao phụ trách kế toán từ 3/2015 đến 5/2017.

Khi bà Hương nghỉ thai sản, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục giao phụ trách Kế toán cho bà Lê Thị Hoài An, thời điểm đó, chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng của bà An cũng đã hết hạn theo quy định.

Trước đó, quá trình tuyển dụng của bà Lê Thị Hoài An cũng có nhiều tình tiết sai phạm như trường hợp của bà Hương: Ngày 15/7/2016, bà Lê Thị Hoài An có đơn đăng ký dự tuyển viên chức và từ đó Hội đồng Xét tuyển viên chức đối với bà An được thành lập theo Quyết định số 1463A/QĐ-ĐHL. Ngày 14/12/2016, Hội đồng Xét tuyển họp để xét tuyển đặc cách đối với bà An và ngày 30/12/2016, Trường có Văn bản đề nghị Bộ công nhận kết quả xét tuyển đặc cách. Nhưng thực tế, quyết định tuyển dụng đối với bà An đã được Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ ký từ ngày 11/7/2016. Tức là sau khi ký hợp đồng tuyển dụng bà An, Trường mới làm các thủ tục, trình tự tuyển dụng bà An.

Không chỉ bị tố cáo về việc tuyển dụng, phân công công việc đối với kế toán không đúng quy định, bà Quỳ còn bị tố cáo phân công công việc trong Ban Giám hiệu không đúng. Trong đó, việc phân công công việc đối với Phó Hiệu trưởng Lê Trường Sơn, giữa văn bản phân công và thực tế thực hiện cũng thể hiện những vấn đề bất nhất, không đúng quy định.

Ông Sơn được giao phụ trách công tác quản lý hệ vừa làm vừa học, nhưng thực tế, ông Sơn lại được phép trực tiếp giải quyết nhiều việc về đào tạo với vai trò phụ trách đào tạo vừa làm vừa học. Việc này vừa lấn sang phần việc do Phó Hiệu trưởng Trần Hoàng Hải phụ trách, vừa không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn. Bởi với vai trò phụ trách đào tạo hệ vừa làm vừa học, thì yêu cầu người phụ trách phải có trình độ Tiến sĩ, trong khi tại thời điểm đó, ông Sơn vẫn chỉ ở trình độ Thạc sĩ.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã yêu cầu bà Mai Hồng Quỳ và các cá nhân, tổ chức có liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với những sai phạm được chỉ ra qua thanh tra; rà soát toàn bộ hồ sơ tuyển dụng, bổ nhiệm từ năm 2015 đến nay, đề xuất phương án xử lý đối với việc tuyển dụng đặc cách chưa đúng quy định đối với bà Lê Thị Hoài An và các trường hợp tương tự; có giải pháp chấn chỉnh khắc phục kịp thời đối với các sai phạm được chỉ ra qua thanh tra.

Những tưởng, sau khi Thanh tra Bộ chỉ ra những sai phạm cũng như yêu cầu xử lý, chấn chỉnh, khắc phuc sai phạm. Bước sang năm 2018, cơn sóng ngầm lại tiếp tục nổi dậy. Thanh tra Bộ GD&ĐT lại 1 lần nữa thành lập Tổ Xác minh đơn tố cáo đối với ông Lê Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng.

Qua xác minh, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều nội dung tố cáo là có cơ sở. Cụ thể, ông Lê Trường Sơn giữ ngạch giảng viên 23 năm, hưởng phụ cấp thâm niên 21%, trong khi từ năm 1996, ông Sơn không trực tiếp giảng dạy, không đảm bảo số định mức giờ chuẩn giảng dạy của chức danh giảng viên.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sinh của ông Sơn cũng bị Tổ Xác minh chỉ ra nhiều sai phạm. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 21 Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD ĐT thì việc thay đổi chỉ được thực hiện trong nửa đầu thời gian đào tạo đối với tên đề tài và chậm nhất là 1 năm trước khi nghiên cứu sinh hết hạn học tập đối với việc bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn, nhưng ông Sơn đã không thực hiện đúng như vậy.

Ông Sơn được công nhận nghiên cứu sinh từ ngày 23/02/2009, hình thức đào tạo không tập trung, thời gian đào tạo là 3 năm, nhưng chỉ trong 2 ngày (3- 4/6/2013), theo đề nghị của ông Sơn, Nhà trường đã có quyết định thay đổi người hướng dẫn và đổi đề tài đối với luận án tiến sĩ của ông Sơn. Trong chương trình đào tại tiến sĩ, ông Sơn cũng không học đầy đủ các học phần theo quy định.

Từ kết quả Thanh tra, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Nhà trường cũng đã tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các cá nhân, người đứng đầu các cấp đơn vị, mà không đưa ra bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật nào.

Hiệu quả của việc “rút kinh nghiệm sâu sắc” để làm bài học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa thấy đâu, chỉ biết sau đó, Nhà trường lại tiếp tục xét tuyển đặc cách cho bà Mai Quốc Thu Trang, thủ quỹ của Trường.

Từ 31/7/2013 đến 4/4/2018, bà Trang, đã tự ý mở tài khoản cá nhân để nhận các khoản tiền học lại của hệ vừa làm vừa học, tiền học bổ sung hoàn thiện kiến thức, tiền từ Trung tâm VASS và các khoản chi tiền mặt của trường… lên đến hơn 26 tỷ đồng.

Việc xét tuyển đặc cách này theo Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận là không đúng quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BNV khi tuyển vị trí thủ quỹ, bởi bà Trang chỉ có bằng Cao đẳng Công nghệ thông tin chính quy, loại Trung bình khá.

Báo Thanh tra tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo Báo Thanh tra

Bạn đang đọc bài viết Nhiều sai phạm trong công tác quản lý viên chức và tài chính tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan