Nhiều thiếu sót trong lĩnh vực tài chính, ngân sách tại Sở GD&ĐT Tp.HCM

10/11/2023, 14:16
báo nói -

TCDN - Hàng loạt thiếu sót trong việc theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp việc công khai tài chính tại Sở Giáo dục và Đào Tạo Tp.HCM cùng các đơn vị trực thuộc đã được Thanh tra Tp.HCM chỉ rõ trong kết luận thanh tra.

Thanh tra Tp.HCM vừa công bố thông báo kết luận thanh tra số 153/TB-TTTP-P3 về việc thanh tra trách nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính tại sở này trong thời kỳ thanh tra 2021 – 2022.

Hàng loạt thiếu sót trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

Theo thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách: Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM không giao dự toán trên cơ sở phương án thu chi ngân sách theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/01/2015 của Chính phủ mà thực hiện phân bổ theo số học sinh bình quân đối với khối giáo dục phổ thông.

Dự toán quỹ tiền lương tại Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện giảm chi dự toán đối với số lượng biên chế giảm do tinh giản biên chế và nghỉ việc của các đơn vị (số lượng 213 người) là chưa phù hợp theo quy định tại điểm b, điểm c Mục 3 Điều 12 Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính và chưa phù hợp khoản III Mục B Công văn số 5055/STC-NS ngày 10/8/2020 của Sở Tài chính.

Đồng thời, dự toán chi thường xuyên năm 2021, năm 2022 của các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu học phí tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020, năm 2021 khoản chi hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu học phí tăng theo lộ trình tăng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, chưa đảm bảo quy định tại điểm c Mục 3 Điều 12 Thông tư số 71/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Kết luận thanh tra về nguồn tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM

Kết luận thanh tra về nguồn tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM

Bên cạnh đó, công tác công khai tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế, thiếu sót trong việc theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp việc công khai tài chính tại sở và các đơn vị trực thuộc; dẫn đến vẫn còn nhiều đơn vị chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ việc công khai tài chính đúng theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 và Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính, Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Cũng theo thông báo kết luận thanh tra đối với công tác hướng dẫn quản lý thu chi các khoản thu khác, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2925/GDĐT-KHTC ngày 14/9/2020 hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc Sở năm học 2020-2021 (tiếp tục áp dụng cho năm học 2021-2022) là chưa phù hợp thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 và khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành đào tạo, các dịch vụ giáo dục đào tạo do Nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định khoản 1 Điều 11 Thông tư số 14/2019/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với khoản thu hộ, chi hộ (điện, nước uống, đề thi giấy thi, phục vụ thi nghề, văn bằng tốt nghiệp) các đơn vị chưa đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi (vẫn còn tồn số dư bên nợ, không tất toán cho từng năm học mà tiếp tục thu qua các năm); Việc công khai kế hoạch, tình hình quản lý thu, chi đối với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ vẫn chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo chưa hướng dẫn xử lý đối với khoản thu hộ, chi hộ hơn 590 triệu đồng từ hoạt động của Trung tâm văn hóa ngoài giờ để dạy thêm cho học sinh tại trường Trung học phổ thông Củ Chi.

Bên cạnh đó, thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế thiếu sót trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa cập nhật kịp thời số liệu phát sinh trong việc theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp tình hình tiếp nhận tài trợ, viện trợ tại các đơn vị trực thuộc. Qua thực tế 05/07 đơn vị được kiểm tra ngẫu nhiên thực hiện chưa đầy đủ, đúng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; áp dụng chưa đúng Thông tư số 55/2011/TT- BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn một số trường nhận ủy quyền từ Ban Đại diện Cha mẹ học sinh để thu, quản lý, sử dụng quỹ phụ huynh học sinh như đã nêu tại phần kết quả thanh tra.

Ngoài ra, việc lập dự toán, quản lý thiết bị phục vụ các kỳ thi cho thấy, đơn giá thuê máy hủy giấy công nghiệp siêu tốc và máy in laser trắng đen tốc độ cao in 2 mặt, ethernet bằng 47,3% đến 48% so với đơn giá mua (trong đơn giá thuê có bao gồm mực in trong thời gian thuê), thời gian thuê 2 tháng gần bằng với giá tiền mua máy mới cho thấy việc thuê máy cần phải xem xét cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả. Số lượng thuê tăng 1,3 lần đến 2 lần so với dự toán số lượng mua cho thấy việc lập dự toán số lượng mua ban đầu phục vụ kỳ thi là chưa sát với thực tế.

Đồng thời, trong dự toán chi tiết và hồ sơ mời thầu không thể hiện thông số tiêu cự của ống kính zoom (kèm máy ghi hình). Năm 2022, Sở thực hiện chỉ định đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng giấy yêu cầu thẩm định giá, hồ sơ mời thầu và chứng thư thẩm định giá không thể hiện thông số tiêu cự ống kính zoom, đồng thời không thể hiện thông số dung lượng đối với thẻ nhớ cho máy ghi hình, thẻ nhớ cho máy ghi âm và ổ cứng portable type C- SSD, USB chip lớn bảo mật an toàn USB-AT (thông số, đặc điểm kỹ thuật cơ bản) là không đúng theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 và số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính.

Về quản lý thiết bị phục vụ thi sau thi, Sở không dán nhãn kiểm kê tài sản. Tại phòng lưu trữ thiết bị không lập sổ, thẻ kho theo dõi các thiết bị đang lưu trữ theo quy định tại Điều 8 Quản lý nhập kho, xuất kho và bảo quản tài sản, công cụ, dụng cụ Quyết định số 518/QĐ-SGDĐT ngày 26/02/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về quy chế quản lý và sử dụng tài sản công.

Làm gì để chấn chỉnh hàng loạt thiếu sót

Từ hàng loạt thiếu sót trong lĩnh vực tài chính, ngân sách tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Tp.HCM kiến nghị và được UBND Tp.HCM chấp thuận. Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng, ban, Hiệu trưởng các đơn vị được kiểm tra và các tập thể, cá nhân có liên quan đến nội dung kết luận thanh tra theo thẩm quyền quản lý; đề ra hướng khắc phục, chấn chỉnh đối với những thiếu sót, vi phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM nơi vừa bị thanh tra

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM nơi vừa bị thanh tra

Đồng thời, trong công tác quản lý, sử dụng tài chính cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp về công khai, minh bạch tài chính; Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở trong việc quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước, các nguồn thu học phí, thu sự nghiệp và thu khác; xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện nộp tiền thu học phí vào Kho bạc nhà nước theo quy định.

Xây dựng phương án, tiêu chí phân bổ kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động các đơn vị. Thực hiện thẩm tra, quyết toán các nguồn kinh phí hoạt động đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định.

Khẩn trương tham mưu ban hành khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành đào tạo, các dịch vụ giáo dục đào tạo do Nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo chức năng chuyên môn.

Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường khắc phục các thiếu sót, vi phạm qua kiểm tra. Rút kinh nghiệm chấn chỉnh các đơn vị chưa được kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý việc nhận tài trợ, viện trợ, công tác quản lý tiền mặt, chấp hành chế độ báo cáo tại các đơn vị trực thuộc theo quy định.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện các thủ tục nộp ngân sách đối với khoản thu hộ, chi hộ hơn 590 triệu đồng tại Trường Trung học phổ thông Củ Chi theo quy định. Và có văn bản chấn chỉnh công tác thu học phí, thu các khoản thỏa thuận, thu hộ chi hộ và các khoản thu khác tại các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ, theo dõi, phản ánh kịp thời trên sổ sách kế toán theo đúng quy định./.

Thanh Quang
Bạn đang đọc bài viết Nhiều thiếu sót trong lĩnh vực tài chính, ngân sách tại Sở GD&ĐT Tp.HCM tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tiếp tục xử lý sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên
Sau khi bị Bộ Công an khởi tố liên quan đến sai phạm trong công tác đấu thầu, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên tiếp tục bị Thanh tra tỉnh Điện Biên yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm do liên quan đến một số sai phạm tại Sở GD&ĐT tỉnh này.
Đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai: Nhiều khuất tất trong gói thầu mua ôtô tiền tỷ?
Nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa; không áp dụng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm đối với nhà thầu; mua sắm vượt khung quy định của Chính Phủ... là một số những dấu hiệu bất thường tại gói thầu mua ôtô tiền tỷ do Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai làm chủ đầu tư.