Nghi vấn gói thầu bị nâng khống, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum yêu cầu rà soát

02/03/2022, 11:08

TCDN - Bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu các phòng ban rà soát lại các nội dung liên quan đến gói thầu mua sắm thiết bị dạy học sau nghi vấn “đội giá” gây thoát nhiều tỷ đồng Ngân sách Nhà nước.

Ngày 28/2, bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, vừa ký công văn yêu cầu các phòng ban rà soát lại các nội dung liên quan đến “gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2021” để báo cáo lên cấp thẩm quyền.

Trong đó yêu cầu Phòng Kế hoạch-Tài chính (trực thuộc Sở) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vịliên quan (đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các đơn vị liên quan) tham mưu nội dung giải trình các phản ánh. Đồng thời rà soát các quy trình tham mưu triển khai các dự án liên quan, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp xử lý đối với các hạn chế, bất cập, khó khăn (nếu có).

Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai và Công ty TNHH MTV Sách thiết bị trường học Hà Nội là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu, không có yếu tố cạnh tranh.

Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai và Công ty TNHH MTV Sách thiết bị trường học Hà Nội là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu, không có yếu tố cạnh tranh.

Sở cũng giao Văn phòng Sở tham mưu văn bản trình Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin Truyền thông về chủ trương cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo cung cấp thông tin tại Hội nghị giao ban Báo chí định kỳ về các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm như: Các dự án mua sắm trang thiết bị dạy học theo chương trình phổ thông 2018; việc lựa chọn sách giáo khoa; các chế độ chính sách có liên quan...), để kịp thời cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận. Báo cáo này phải hoàn thành trước ngày 8/3/2022.

Trước đó, tháng 6/2021 bà Phạm Thị Trung đã ký duyệt gói thầu quyết định mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường hợp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đơn vị trúng thầu là Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai và Công ty TNHH MTV Sách thiết bị trường học Hà Nội.

Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum chỉ đạo ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum.

Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum chỉ đạo ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum.

Cụ thể, giá trị gói thầu là hơn 25,8 tỷ đồng, thuộc hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng 30 ngày kể từ ngày ký. Với gói thầu này sẽ có nhiều hạng mục mua sắm như: tivi, bàn phím điện tử, máy tính xách tay…

Tuy nhiên, có một số thông tin cho rằng, nhiều thiết bị nhà thầu cung cấp cho trường học có giá cao hơn so với giá ngoài thị trường. Việc chênh lệch về giá có thể gây nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước, cơ quan chức năng cần thiết phải xem xét, khảo sát lại giá trị các hạng mục mua sắm của gói thầu. Dư luận cho rằng số tiền chênh lệch trong vụ này là hơn 10 tỷ đồng tiền.

Nghi vấn về gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu nâng khống giá trị cao hơn khoảng 10,2 tỉ đồng. Hàng loạt trang thiết bị trúng thầu được cho là đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá cả thị trường, gây bức xúc trong dư luận.

Nghi vấn về gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu nâng khống giá trị cao hơn khoảng 10,2 tỉ đồng. Hàng loạt trang thiết bị trúng thầu được cho là đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá cả thị trường, gây bức xúc trong dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, các thiết bị dạy học ở trong gói thầu được thẩm định giá theo chủng loại, chất lượng, yếu tố kỹ thuật. Dựa trên cơ sở thẩm định giá, sở đã xây dựng giá và có báo cáo giải trình đối với các đơn vị liên quan. "Quá trình đấu thầu diễn ra công khai, đúng theo quy định", bà Trung nói.

Điều 222 Bộ luật Hình sự quy định “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Anh Thư (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Nghi vấn gói thầu bị nâng khống, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum yêu cầu rà soát tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899