Nhìn lại 14 vòng đàm phán "chông gai" trong mười năm ký kết EVFTA
TCDN - Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay 1/8. Đây chính là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước. Việt Nam và EC đã mất tới 10 năm để đàm phán liên tục, dù đôi lúc gặp không ít chông gai và bế tắc.
Có thể nói, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đối với EVFTA, giới chuyên môn nhận định đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.Hiệp định sẽ giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại lộ trình đàm phán và những mốc thời gian chính trong quá trình đàm phán EVFTA.
Có lẽ cột một đáng nhớ nhất đó là sự kiện diễn ra vào tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EC đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Đến tháng 6/2012, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12/2015, sau nhiều nỗ lực của các ngành chức năng Việt Nam, hoạt động đàm phán kết thúc và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Đến tháng 6/2017, hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật.
Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
+ Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
+ Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA
Ngày 08/6/2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Như vậy, trải qua 14 vòng đàm phán trong 10 năm, nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, các phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay 1/8.
Đây chính là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899