EVFTA: Tận dụng cơ hội trong nghịch cảnh
TCDN - Đây là chủ đề chính trong chuỗi hội thảo tuyên truyền và phổ biến kiến thức, thông tin về các Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thực hiện giao dịch Thương mại quốc tế thông qua nâng cao năng lực nghiệp vụ và ứng dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI Nguyễn Thu Trang, cho rằng lợi ích EVFTA mang lại cho DN Việt Nam là tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường EU rất khó tính cả về góc độ chính sách, pháp luật lẫn văn hóa kinh doanh, tiêu dùng. EU có rất nhiều qui định về các rào cản kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa (chỉ cần ghi sai nhãn sẽ rất phức tạp), vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, yếu tố văn hóa và thói quen tiêu dùng của người EU còn khắt khe hơn cả các qui định pháp lý. Khi mua sắm, hoặc đặt hàng (nhập khẩu), các đối tác EU thường đặt ra các yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, cam kết về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, tính nhân văn của sản phẩm… trong quá trình sản xuất và đưa ra thị trường.
Một vấn đề mà các chuyên gia lưu ý, đó là tác động của Covid-19, có thể khiến thị trường EU thay đổi, điều chỉnh về cấu sản phẩm nhập khẩu, thay đổi cách thức kiểm soát thị trường… Do đó, khi khác thác cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp cần quan tâm yếu tố này.
Bà Nguyễn Thu Trang khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, nắm bắt xem cơ hội từ EVFTA với mình là cơ hội nào, sản phẩm nào, làm thế nào để khai thác…, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp thích hợp để tận dụng. Thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi khai thác EVFTA, có lẽ chính là vấn đề chi phí tuân thủ. Không chỉ phải đầu tư tuân thủ tốt các tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản kỹ thuật phi thuế quan, mà còn cả vấn đề liên quan đến pháp lý trong tranh chấp thương mại.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, các hệ thống kiểm tra của EU rất chặt chẽ, văn hóa tiêu dùng EU cao, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí của họ. Văn hóa pháp lý trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam cũng còn có khoảng cách. Chẳng hạn, các doanh nghiệp EU rất chặt chẽ khi xây dựng và thực hiện hợp đồng, tuân thủ các chuẩn mực, tiêu chí… rõ ràng. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khi xây dựng hợp đồng thương mại quốc tế còn sơ sài, mỗi khi xảy ra tranh chấp rất bất lợi. Muốn tận dụng được cơ hội của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ các vấn đề về pháp lý, văn hóa tiêu dùng, quản trị doanh nghiệp, đối tác, bạn hàng… từ phía EU.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận thấy, EVFTA sẽ cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, EVFTA sẽ mang đến 4 tác động cơ bản với Việt Nam như:
Thứ nhất, EVFTA sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới cho xuất khẩu, thương mại, kinh doanh. EVFTA sẽ mở cửa thị trường, là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Thứ hai, cùng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty mới. Bên cạnh sự song hành của EVIPA, EVFTA càng mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.
Thứ ba, về dài hạn, cũng giống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực về mọi mặt. Tuy nhiên, EVFTA lại làm giảm rào cản thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trên tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Hiệp định cũng sẽ giúp hiện đại hóa khung pháp lý của Việt Nam, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng.
Thứ tư, lộ trình giảm thuế và cam kết cắt giảm thuế trong EVFTA cũng sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các quy định về thuế trong EVFTA chính là động lực cho Việt Nam hưởng lợi không chỉ trong xuất khẩu, mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu, tiếp cận với những loại máy móc, công nghệ hiện đại, tiên tiến của EU.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn những rào cản về kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ, vấn đề lao động, môi trường... Vì vậy, cùng với nỗ lực cả các cơ quan Nhà nước, thì doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về Hiệp định này.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt, cho rằng EVFTA mở ra những cơ hội mới. Công ty đang tìm hiểu EVFTA liên quan đến ngành hàng xuất khẩu của mình nhằm tận dụng ưu đãi cắt giảm thuế quan theo lộ trình để xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nhận thức được khi vào thị trường EU phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan. Chẳng hạn, sản phẩm gỗ của Công ty Tiến Đạt khi xuất vào EU, phải tuân thủ tốt qui định về nguồn gốc gỗ hợp pháp; thiết kế sản phẩm liên quan đến gỗ cũng phải phù hợp thị hiếu của người EU... Theo ông Tuyên, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước cần có những cuốn sổ tay hướng dẫn cho từng ngành nghề về cách tiếp cận thị trường EU, thực hiện cam kết, cung cấp các thông tin về thị trường EU khi thực thi EVFTA… Điều này sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào EU.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899