Nhóm cổ phiếu có khả năng bứt tốc trong phiên 3/12
TCDN - VHM, LPB, DGC, NLG, GEX, MSN, POW là những mã cổ phiếu được giới phân tích chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên quan tâm trong phiên giao dịch hôm nay 3/12.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 102.400 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM – sàn HOSE) doanh thu đạt 49.378 tỷ đồng (tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 16.337 tỷ (tăng trưởng 7%) tương ứng hoàn thành 50,9% và 52,7% kế hoạch năm, tương ứng hoàn thành 33.5% và 33.4% kế hoạch năm.
Ghi nhận bàn giao 10.800 căn hộ, trong đó số lượng sản phẩm đến từ ba đại dự án Vinhomes Grand Park, Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City chiếm tới 96%.
Trong quý IV/2020, công ty dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao thêm ít nhất 11,000 căn hộ từ ba đại dự án và triển khai dự án Vinhome Wonder Park vào 2021.
BSC ước tính doanh thu năm 2020 của VHM đạt 80.868 tỷ đồng (tăng 56,6% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 28.736 tỷ đồng (tăng trưởng 32,1%), tương đương với EPS = 8.579 đồng/CP.
Trong năm 2021, chúng tôi đánh giá VHM sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt sau năm 2020 nhờ vào việc bàn giao ba đại dự án và triển khai các dự án mới, cụ thể doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2021 lần lượt đạt 103.699 tỷ đồng (tăng trưởng 28,2%) và 32.060 tỷ đồng (tăng trưởng 11,6%).
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VHM với giá mục tiêu trong 1 năm tới là 102.400 đồng (tăng 23,9% so với giá ngày 30/11/2020) dựa theo phương pháp RNAV (phản ánh giá trị tài sản ròng sau khi chiết khấu 155 triệu m2 sàn thương phẩm của VHM và mảng cho thuê văn phòng/thương mại) với WACC= 11,4%, tỷ lệ chiết khấu 5% và g= 1%.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu LPB nằm tại mức 15.5CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt vẫn đang ở trong xu hướng tăng trung hạn từ đầu tháng 4 cho đến nay. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên đà tăng có thể được duy trì trong thời gian tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LPB nằm tại khu vực xung quanh giá 12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 15.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 11.25 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 55.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
BSC điều chỉnh tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) lần lượt đạt 6.540 tỷ đồng (tăng 28,5% so với năm trước) và 936 tỷ đồng (tăng trưởng 63,7%). EPS FW 2020 = 5.913 đồng. PE FW 2020 = 7,6 lần.
BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 6.781 tỷ đồng (tăng trưởng 3,7%) và 1.100 tỷ đồng (tăng trưởng 17,6%). EPS FW 2021 = 6.953 đồng, PE FW 2021 = 6.5.
Chúng tôi khuyến nghị theo dõiđối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 2021 là 55.000 đồng/CP, tăng 16,9% so với mức giá ngày 30/11/2020 là 45,500 đồng (tăng 48.6% so với giá mục tiêu cũ, do điều chỉnh kết quả kinh doanh và cổ tức của năm 2020/+11% và 2021/+21%) sau khi BSC đánh giá lại ảnh hưởng của Khai trường 25 (nhân tố quan trọng nhất trong năm 2021).
Khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 38.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo công cố của Keppel Land Limited (KLL), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đang thâu tóm 30% cổ phần còn lại của KKL tại dự án Waterfront Đồng Nai (DNWC) – dự án 170 ha tại tỉnh Đồng Nai.
Tổng giá trị ước tính của thương vụ này đạt 1.951 tỷ đồng và sẽ được NLG chi trả bằng tiền mặt trong 2 đợt sau khi hoàn tất giao dịch này. Ban lãnh đạo của NLG cho biết thương vụ này sẽ diễn ra trong năm 2021.
Thương vụ này tiếp nối diễn biến thoái vốn 70% cổ phần của KKL tại DNWC cho NLG, đã được công bố vào đầu năm 2019. Tính đến cuối quý 3/2020, NLG đã đặt cọc để thâu tóm 70% cổ phần tại dự án Waterfront và ký kết thỏa thuận bán 35% trong 70% cổ phần này cho các đối tác chiến lược Nhật Bản.
Chúng tôi hiện dự báo khoản lãi từ việc thoái vốn 35% cổ phần tại dự án Waterfront sẽ được ghi nhận trong quý 4/2020. Sau khi thoái vốn 35% cổ phần trong năm 2020 và thâu tóm thêm cổ phần trong năm 2021, NLG sẽ sở hữu 65% dự án Waterfront trong khi các đối tác Nhật Bản chiếm 35%.
Chúng tôi cho rằng thương vụ này là diễn biến tích cực cho NLG khi cho rằng dự án Waterfront có vị trí chiến lược tại khu vực vốn tăng trưởng ở mức cao. Dù cần thêm đánh giá chi tiết, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng định giá cho NLG khi chúng tôi chưa ghi nhận diễn biến thâu tóm 30% cổ phần này trong dự báo đã đề cập trong báo cáo cập nhật gần nhất.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 38.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 35,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,2%.
Khuyến nghị mua cho GEX với giá mục tiêu 25.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng dự phóng giá mục tiêu thêm 14% lên 25.300 đồng/CP cho Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) chủ yếu do mức tăng trung bình 3% trong dự báo lợi nhuận 2020-2024, tỷ lệ WACC thấp hơn và cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối 2021. Chúng tôi nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên mua.
Mức điều chỉnh tăng trong dự báo lợi nhuận của GEX đến từ lợi nhuận cao hơn từ công ty liên kết Viglacera do triển vọng tươi sáng hơn cho mảng cho thuê khu công nghiệp. Trong khi đó, công ty con chính CAV (nhà sản xuất cáp điện) đã giành thêm thị phần, củng cố cho dự báo lợi nhuận của chúng tôi.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS báo cáo giai đoạn 2020-2024 đạt 25% nhờ tăng trưởng công suất cáp, đóng góp lợi nhuận bổ sung từ VGC, hiệu suất hoạt động cao hơn từ các nhà máy điện mặt trời và điện gió hiện tại, và lợi nhuận ổn định từ công ty nước VCW. Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế do đánh giá lại khoản lãi bất thường từ hợp nhất VGC.
Chúng tôi cho rằng cổ phiếu GEX sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn vào ngành hạ tầng còn kém phát triển của Việt Nam – đặc biệt là trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ điện lớn của Việt Nam và dòng vốn FDI mạnh mẽ. GEX hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 đạt 11,7 lần và PEG hấp dẫn đạt 0,5 lần.
Rủi ro: rủi ro pha loãng sau khi tăng vốn thông qua phát hành quyền mua.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MSN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan sau khi cổ phiếu của Tập đoàn Masan (MSN) đã tăng giá 52% trong 3 tháng qua. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về vị thế của MSN trong việc tận dụng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt thông qua nền tảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng - bán lẻ - The CrownX của công ty.
Chúng tôi tăng giá mục tiêu 32% do (1) các mảng kinh doanh tiêu dùng của MSN có diễn biến vượt kỳ vọng trước đây của chúng tôi; trong báo cáo này, chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận EBITDA (bao gồm đóng góp LN từ TCB) tổng cộng cho năm 2021F-2022F thêm 21% và (2) cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021.
Các yếu tố hỗ trợ tiềm năng: Các giao dịch huy động vốn ở cấp độ tập đoàn hoặc công ty con mà trong đó các giao dịch này sẽ giúp củng cố định giá cho các công ty này cũng như giúp MSN giảm nợ vay.
Các rủi ro tiềm năng: Không thành công trong việc huy động vốn, tạo áp lực lên vị thế tài chính của MSN trong bối cảnh nợ vay của công ty đang ở mức cao; nỗ lực tái cấu trúc VCM không mang lại nhiều hiệu quả; MCH triển khai các sản phẩm mới cũng như marketing không hiệu quả khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu và điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan dành cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).
Trong khi chúng tôi vẫn đánh giá tích cực danh mục đầu tiên điện 4.200 MW của POW, chúng tôi cho rằng việc thương thảo lại hợp đồng mua bán điện (PPA) tại nhà máy điện Cà Mau (vốn là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận chính của POW trước năm 2020) tạo ra các bất ổn cho triển vọng lợi nhuận của công ty.
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu thêm 5% chủ yếu do điều chỉnh giảm 6% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi 2020-2030, được phần nào bù đắp bởi cập nhật từ giữa 2021 đến cuối 2021.
Chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận dự báo cho POW chủ yếu do (1) hiệu suất hoạt động thấp hơn tại tất cả các nhà máy điện than và điện khí và giá CGM thấp hơn trong giai đoạn 2020-2022 do lượng mưa cao hơn và (2) sản lượng điện thương phẩm thấp hơn trong kỳ dự báo, giúp bù đắp (3) tác động tích cực nhẹ trong dự báo giá khí thấp hơn của chúng tôi.
Chúng tôi dự báo % lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi sẽ ghi nhận CAGR 11% trong giai đoạn 2020- 2025 chủ yếu do đóng góp từ nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 (công suất: 2 x 750MW) trong năm 2023 và 2024.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ không có cổ tức tiền mặt sau năm 2019 khi POW đang chuẩn bị vốn để đầu tư nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4; so với dự báo DPS trước đây của chúng tôi 300 đồng/CP (lợi suất cổ tức 3%).
POW hiện đang giao dịch với EV/EBITDA 2021 đạt 5,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi, tương ứng với chiết khấu 40% so với nhóm các công ty cùng ngành của chúng tôi.
Rủi ro: Giá PPA thuận lợi và hoàn tất thu hồi nợ xấu tại nhà máy Cà Mau.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899