Những điều cần biết khi xây nhà không phép, trái phép

28/02/2022, 10:44

TCDN - Xây nhà không phép, trái phép sẽ bị tăng mức xử phạt, hoặc có 30 ngày để hợp thức hóa nhà ở xây không phép.

Nhà xây không phép, trái phép có thể không bị phá dỡ

Căn cứ Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nhà xây không có giấy phép xây dựng (không phép), xây không đúng nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trái phép) sẽ không bị phá dỡ nếu thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng sẽ có thời gian “hợp thức hóa”.

Sau khi có giấy phép xây dựng đối với trường hợp nhà xây không phép hoặc có giấy phép xây dựng điều chỉnh đối với trường hợp nhà xây trái phép mà hiện trạng nhà ở đó phù hợp giấy phép xây dựng thì không bị phá dỡ.

Lưu ý: Chỉ áp dụng đối với nhà ở đang thi công xây dựng (hành vi vi phạm chưa kết thúc).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng mức phạt đối với nhà ở xây không phép, trái phép

Căn cứ khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà ở không phép mà thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng đã tăng mạnh so với mức phạt trước đây được quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Mức tăng này được thể hiện rõ qua bảng so sánh dưới đây:

- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.

(Trước đây, mức phạt với hành vi này từ là 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng)

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.

(Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 10  triệu đồng đến 20 triệu đồng)

- Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

(Trước đây, mức phạt với hành vi này là  từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng)

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Chỉ có 30 ngày để hợp thức hóa nhà ở xây không phép

Trước ngày 28/01/2022 nhà ở xây dựng không phép, trái phép sẽ có thời hạn 60 ngày để hợp thức hóa (theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, hiện nay thời hạn hợp thức hóa đã được rút ngắn xuống còn 30 ngày.

Nội dung này được nêu rõ tại khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, cụ thể:

“…Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.”.

Phải dừng thi công trong thời gian hợp thức hóa

Khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định đối với nhà ở xây không phép, trái phép mà thuộc trường hợp có đủ điều kiện hợp thức hóa thì người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

Trong thời hạn đang đề nghị làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh mà tiếp tục thi công (tái phạm) sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Phạt tiền từ 140 - 160 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Điều kiện hợp thức hóa nhà ở xây không phép, trái phép

Căn cứ khoản 16 Điều 16 và khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nhà ở xây không phép, trái phép để được hợp thức hóa phải có đủ điều kiện.

* Điều kiện hợp thức hóa nhà ở xây không phép

- Đang thi công xây dựng.

- Đáp ứng đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng.

* Điều kiện hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép

- Đang thi công xây dựng.

- Thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng nhà ở

Chỉ được xây tiếp nếu hiện trạng phù hợp với giấy phép

Khoản 4 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định:

“4. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp, giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định…”.

 Điều đó đồng nghĩa với việc không phải được cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì sẽ được xây dựng tiếp, chỉ được xây dựng tiếp nếu hiện trạng nhà ở đó phù hợp với giấy phép xây dựng.

Trường hợp hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình thì người có hành vi vi phạm buộc phá dỡ.

PV
Bạn đang đọc bài viết Những điều cần biết khi xây nhà không phép, trái phép tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xây dựng trái phép dự án E.City Tân Đức, Tập đoàn Tân Tạo bị xử phạt
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo với số tiền 40 triệu đồng, phải tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm không phù hợp vì hành vi xây dựng công trình không có giấy phép tại khu B1 của dự án E.City Tân Đức.
Hà Nội: Hàng chục đơn vị thi công ẩu, đào hè phố trái phép
Chỉ trong tháng cuối năm, 36 trường hợp thi công đào hè, đường không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng ban đầu, đào hè phố trái phép; không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công... đã bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội kiểm tra, xử lý.