Nợ gần 8.000 tỷ, Gang thép Thái Nguyên - TISCO đối mặt nguy cơ phá sản
TCDN - Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO II) vẫn đắp chiếu khiến Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục ôm nợ khủng, song công ty này vẫn phải trả tiền cho người bán liên quan đến dự án, riêng trong quý I/2020, số tiền này là 281,6 tỷ đồng,
Ôm nợ khủng, nguy cơ phá sản
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, trong đó tiếp tục ghi nhận khoản nợ phải trả khổng lồ lên đến 7.965 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2020), tăng khoảng 450 tỷ so hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 5.481 tỷ đồng, còn nợ dài hạn là 2.484 tỷ đồng.
Số nợ trên gấp hơn 4 lần so với vốn chủ sở hữu của TISCO (1.917 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý I/2020 của doanh nghiệp đạt 4,7 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, TISCO đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Hiện nợ phải trả chiếm 80% nguồn vốn. “Việc mất cân đối 2.505 tỷ đồng khiến TISCO có khả năng vỡ nợ, nguy cơ phá sản hiện hữu”, báo cáo nêu.
Tại báo báo tài chính hợp nhất 2019, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của TISCO. Theo đó, đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của TISCO đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay xấp xỉ 4.853 tỷ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của TISCO cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh”, AASC nêu.
Đổ trăm tỷ vào dự án "đắp chiếu"
Theo TISCO, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chi phí tài chính cao, thiết bị đã cũ, năng suất lao động thấp, sản lượng tiêu thụ tuy có tăng trưởng nhưng thấp hơn bình quân của ngành, trong khi lợi thế về sản xuất phôi ngày càng giảm…
Bên cạnh đó việc thoái vốn tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) chưa có tiến triển. “Việc vay vốn tại các ngân hàng cho sản xuất kinh doanh với hạn mức giảm, chi phí vay tăng sẽ làm công ty ngày càng khó khăn, việc duy trì sản xuất bình ổn, đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép Tisco và hiệu quả là sức ép rất lớn”, báo cáo của Hội đồng quản trị TISCO nêu.
Dự án TISCO II triển khai từ 2007 nhưng đến nay các hạng mục dự án chưa hoàn thành. Dự án này có tổng mức đầu tư dự tính ban đầu gần 3.844 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh được phê duyệt là hơn 8.105 tỷ. Tổng chi phí đầu tư tới cuối năm 2019 là 5.362 tỷ đồng, tăng 269 tỷ đồng so 2018, trong đó chi phí lãi vay 2.155 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, báo cáo của TISCO nêu rõ, dù dự án đắp chiếu nhiều năm nhưng TISCO vẫn phải trả tiền cho người bán liên quan đến dự án. Riêng trong quý I/2020, số tiền này là 281,6 tỷ đồng.
Trong đó trả cho Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc MCC 122,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần LILAMA 45,3 là 34,4 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và TM tổng hợp Quang Minh hơn 23,8 tỷ; Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam 20,2 tỷ; Công ty CP thiết bị công nghiệp MAKSTEEL 17,8 tỷ và các đối tượng khác 63 tỷ.
Cho đến nay, bài toán dự án TISCO 2 vẫn bế tắc trong khi chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là đến hạn mốc hoàn thành xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899