Nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng

30/11/2023, 15:55
báo nói -

TCDN - Do tăng trưởng tín dụng hệ thống không đều, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu.

Đây là nội dung quan trọng trong thông báo vừa được Ngân hàng Nhà nước phát đi hôm nay (30/11).

Tại thông báo này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở chỉ thị được ban hành ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng.

Đến tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống với tổng mức tăng trưởng 14,5%.

Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Thêm vào đó, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều, một số ngân hàng tăng trưởng khá cao, một số ngân hàng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

"Do đó, để linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng", thông báo nêu.

Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định, song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cho biết vừa có văn bản gửi các ngân hàng thông báo nới room thêm cho các ngân hàng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Theo đó, các ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng ưu tiên thêm cho những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, mà các ngân hàng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Song song với việc nới room, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng.

Đồng thời tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, sao cho vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

"Từ nay đến hết năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

PV
Bạn đang đọc bài viết Nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đại biểu tranh luận bỏ room tín dụng
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ngày 6/11, nhiều đại biểu đặt vấn đề việc duy trì room tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin - cho và nảy sinh tiêu cực và bao giờ sẽ bỏ vấn đề này.
Nhiều nhà băng chưa bung room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần, nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng.