Nước nghèo thiếu vaccine ngừa COVID-19, nước giàu phải hủy vaccine thừa

02/07/2021, 11:06

TCDN - Trong khi các nước giàu sẵn sàng trả giá cao hơn để đặt hàng vaccine ngừa COVID-19 sớm, các nước nghèo phải giành giật nguồn vaccine ít ỏi.

Ngày 26/6, Bộ Y tế Israel cảnh báo có thể giới chức sẽ phải tiêu hủy 800.000 nghìn liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng hai tuần. Lô vaccine trị giá hàng trăm triệu USD sẽ hết hạn vào cuối tháng 7.

Tiến sĩ Carissa Etienne - Giám đốc Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bày tỏ bức xúc "không thể chấp nhận" khi mới khoảng 10% người dân tại Mỹ Latin và vùng Caribbean được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, theo AFP. Tỷ lệ ấy ở các nước châu Phi còn thấp hơn nhiều.

img_20210522140635

Hai diễn biến như thế bộc lộ nghịch lý đang diễn ra trên quy mô toàn cầu: Một số quốc gia giàu đã tiêm chủng cho cả các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thấp như trẻ em 12 tuổi. Còn nhiều nước nghèo hơn chật vật để có đủ vaccine ngừa COVID-19, ít nhất là một liều, cho các đối tượng cần thiết nhất như nhân viên y tế ở tuyến đầu, theo New York Times.

Trong khi các nước giàu sẵn sàng trả giá cao hơn để đặt hàng vaccine sớm, các nước nghèo phải giành giật nguồn vaccine ít ỏi.

“Thế giới đang bên bờ vực thảm họa của sự sụp đổ về đạo đức”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hồi giữa tháng 1. “Giá của nó là tính mạng và cuộc sống của người dân những quốc gia nghèo nhất thế giới”.

Số liệu thống kê của tạp chí Science hồi tháng 5 cho thấy, gần 85% lượng vaccine ngừa COVID-19 xuất xưởng cho đến thời điểm đầu năm đều lọt vào kho của các nước có thu nhập cao hoặc trung bình. Trong khi đó, nhóm các quốc gia nghèo nhất chỉ được bảo đảm 0,3% tổng lượng vaccine.

Sự bất bình đẳng trong nền y tế toàn cầu không phải là vấn đề mới. Người dân ở nhiều quốc gia không có cơ hội tiếp cận với những loại thuốc men hay phương pháp chữa bệnh phổ biến ở các nước phát triển. Tuy vậy, đại dịch COVID-19 khiến sự bình đẳng này bộc lộ rõ ràng chưa từng thấy.

Giữa năm 2020, khi các công ty dược phẩm mới bắt đầu nghiên cứu những loại vaccine đầu tiên, việc đặt hàng sớm vaccine mang tới nhiều rủi ro.

Lô vaccine có thể được chuyển giao chậm trễ. Tệ hơn nữa, chủng loại vaccine được đặt hàng có thể thất bại trong khâu thử nghiệm và không được đưa ra thị trường.

Để giảm thiểu những rủi ro này, các nước giàu đặt mua sớm nhiều loại vaccine cùng một lúc, vượt quá số lượng cần thiết để tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

Theo các chuyên gia, hành động này thu hẹp thị trường mà các nước nghèo hơn có thể tiếp cận. Trong năm 2020, ngay cả các nước có thu nhập trung bình cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm vaccine.

“Chúng ta ghi nhận tình cảnh này xảy ra với Peru và Mexico”, nhà nghiên cứu Andrea Taylor tại Đại học Duke, Mỹ, nói với New York Times. “Tiền không phải là vấn đề với các quốc gia này. Họ có nguồn tài chính để mua vaccine, nhưng họ không thể giành được quyền ưu tiên”.

Các nước có thu nhập thấp chỉ có thể ký được các hợp đồng vaccine từ tháng 1 năm nay. Trong khi hợp đồng vaccine đầu tiên của Mỹ và Anh với AstraZeneca đã được ký trước đó 8 tháng.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), một số nước phát triển đảm bảo nguồn vaccine để tiêm cho lượng người gấp nhiều lần dân số các nước này.

Dẫn đầu danh sách là Canada. Quốc gia Bắc Mỹ sẽ có đủ vaccine để tiêm cho hơn 6 lần số dân của mình. Thụy Sỹ đủ vaccine để tiêm cho 5,5 lần số dân. Tỉ lệ này của Anh là hơn 4 lần.

Trong 48 quốc gia tiêm vaccine cho ít nhất 50% dân số tính đến ngày 28/6, đến 47 nước có thu nhập cao hoặc trung bình cao, theo Guardian. Mông Cổ là quốc gia duy nhất trong danh sách có mức thu nhập trung bình thấp.

Sự khác biệt trong tốc độ tiêm vaccine dẫn đến sự khác biệt trong tỉ lệ tử vong do đại dịch.

Theo phân tích của Guardian, chiến dịch tiêm chủng của các quốc gia giàu có như Israel, Mỹ và các nước Tây Âu giúp tỉ lệ người tử vong do Covid-19 giảm đáng kể.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ, Brazil, Peru hay Nam Phi vẫn ở mức cao. Đây là những quốc gia không đạt được tốc độ tiêm chủng nhanh chóng và đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin, quan chức phụ trách điều phối chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của nước này, gọi tích trữ vaccine là hành động “tàn ác và bất công” đối với các nước kém phát triển hơn.

“Các nước nghèo, các nước kém phát triển hơn đang bị bỏ mặc. Đây là điều đang xảy ra”, ông nói hôm 23/6.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Nước nghèo thiếu vaccine ngừa COVID-19, nước giàu phải hủy vaccine thừa tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sáng 2/7: Thêm 151 ca mắc COVID-19
Sáng 2/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 151 ca mắc COVID-19 tại 11 địa phương, trong đó TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nhất với 118 ca. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 14.335 ca.