Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM: Phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ 213 container hàng ra khỏi cảng chưa tìm thấy

03/08/2017, 09:30

TCDN - Trước thông tin 213 container hàng quá cảnh của 56 doanh nghiệp qua cảng Cát Lái (TP. HCM) để xuất đi Campuchia giữa năm 2015 đến nay chưa tìm thấy, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM.

Hàng cấm NK được Cục Hải TP.HCM phát hiện trong lô hàng quá cảnh tại cảng Cát Lái đầu năm 2017. Ảnh: T.H

Về vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh qua cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia giữa năm 2015 chưa tìm thấy, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và kiểm tra, xử lý như thế nào, thưa ông?

Từ tháng 4/2015 đến nay, trên cơ sở chỉ đạo và kế hoạch của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu của Cục và các chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng như: Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan Công an, Quản lý thị trường TP.HCM kiểm soát hàng hóa loại hình quá cảnh, trung chuyển và đã chủ động thu thập thông tin, khởi tố nhiều vụ án buôn lậu để chuyển cho cơ quan điều tra bắt giữ hàng trăm container hàng cấm, hàng đã qua sử dụng.

Qua công tác phối hợp kiểm tra giữa Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện 213 container của 56 doanh nghiệp đã ra khỏi cảng nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành rà soát công việc liên quan những công chức đã thực hiện thông quan, đồng thời yêu cầu các CBCC đã chuyển đi chi cục khác thực hiện truy tìm những tờ khai đã được phân công nhưng chưa thực hiện lệnh BOA (xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi).

Song song đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã yêu các CBCC có liên quan làm tường trình để xem xét trách nhiệm. Đồng thời, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành thành lập Tổ triển khai xử lý đối với tờ khai vận chuyển độc lập (giao cho 1 lãnh đạo chi cục làm Tổ trưởng) để tiến hành xác minh 56 doanh nghiệp có còn hoạt động hay không; Tiến hành xác minh tại hãng tàu, cơ quan kinh doanh cảng về việc làm thủ tục cho 213 container.

Qua công tác phối hợp với các hãng tàu, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để rà soát làm rõ số container chưa tìm thấy nêu trên, kết quả như thế nào, thưa ông?

Qua rà soát, xác minh của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đến nay đã thu thập được 151 phiếu xuất nhập bãi có đóng dấu sao y của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn trên tổng số 213 container cần truy tìm. Hiện tại, nhóm thu thập và xác minh hồ sơ vẫn đang tiếp tục thu thập số phiếu còn lại (62 phiếu) trong danh sách 213 tờ khai hàng nêu trên.

Theo ông, ở vụ việc này, công chức hải quan làm thủ tục có sai phạm như thế nào và thủ đoạn buôn lậu tinh vi của doanh nghiệp ra sao?

Cục Hải quan TP.HCM và các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ việc mới có thể kết luận được chính xác việc sai phạm của công chức hải quan và những thủ đoạn gian lận tinh vi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy sự lợi dụng của doanh nghiệp về loại hình này, cũng là những sơ hở trong công tác quản lý đối với loại hình hàng quá cảnh, nên doanh nghiệp đã thay đổi phương thức, thủ đoạn khai báo hàng quá cảnh để chuyển hàng cấm vào nội địa.

Mặt khác việc doanh nghiệp truyền dữ liệu đến hệ thống khai tờ khai vận chuyển độc lập có thể thực hiện nhiều lần cho 1 lô hàng khai vận chuyển độc lập, do vậy sẽ phát sinh tờ khai ảo, trong khi đó việc khắc phục làm sạch hệ thống đối với tờ khai ảo phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước, đặc biệt là một số doanh nghiệp không còn hoạt động XNK.

Nhiều trường hợp sau khi đã được công chức hải quan phê duyệt cho hàng đi (nghiệp vụ BOA) doanh nghiệp vẫn có quyền đề nghị hủy BOA, khai bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan. Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, Hệ thống cho phép như vậy, cho nên việc theo dõi kiểm soát lô hàng vận chuyển độc lập là rất phức tạp, khó khăn.

Sau khi làm rõ những sai phạm của các cán bộ công chức có liên quan, Cục Hải quan TP.HCM có biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông?

Đối với trường hợp 6/213 container có phát sinh can thiệp vào hệ thống để xóa BOA- việc này công chức đã có giải trình và Cục Hải quan TP.HCM cũng đã có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan xác định thời điểm mà công chức xóa BOA để làm rõ trách nhiệm xử lý.

Hiện Cơ quan điều tra (C46) đã có quyết định khởi tố vụ án, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin để làm rõ sai phạm từ phía doanh nghiệp và xử lý nghiêm CBCC có sai phạm.

Trong thời gian qua, để đấu tranh với các hành vi gian lận tinh vi của DN, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm qua cảng Sài Gòn như thế nào?

Trong thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động bắt giữ hàng trăm container hàng lậu, hàng cấm tại cảng Sài Gòn. Thực hiện Kế hoạch 85 của Cục Hải quan TP.HCM vào cuối năm 2015, Cục đã chủ động soi chiếu trước hàng hóa nhập khẩu có nghi vấn, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn như lực lượng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, các lực lượng: Công an, Quản lý thị trường… thực hiện ngăn chặn kiểm tra phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm. Các lực lượng của Cục Hải quan TP.HCM đã khám xét, bắt giữ gần 200 container hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng, thuộc Danh mục hàng cấm NK vào Việt Nam. Cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, khám xét, bắt giữ cả trăm container hàng cấm về cảng Cát Lái.

Các lô hàng bị phát hiện, bắt giữ ngay tại cửa khẩu hầu hết là do cơ quan Hải quan thực hiện khám xét, vì các DN vận chuyển đều chối bỏ hàng, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Hàng hóa vi phạm hầu hết là hàng điện tử, điện lạnh cấm nhập khẩu.

Ngoài những thủ đoạn trên, một số đối tượng còn lợi dụng loại hình hàng quá cảnh được miễn kiểm tra thực tế để chuyển loại hình, thẩm lậu trở lại thị trường Việt Nam tiêu thụ… Trên thực tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số trường hợp thể hiện người nhận hàng ban đầu theo khai báo trên manifest là DN tại Việt Nam, khi cơ quan Hải quan hoặc các lực lượng chức năng khác phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, thực hiện việc phối hợp kiểm tra hàng hóa thì DN không đến làm thủ tục, sau đó điều chỉnh người nhận hàng tại Campuchia và các nước khác và làm thủ tục quá cảnh lô hàng.

Theo Hải quan

Bình luận