Phân tích thực trạng lựa chọn điểm đến du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

19/06/2024, 11:13
báo nói -

TCDN - Bài viết phân tích thực trạng lựa chọn địa điểm du lịch sinh thái Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu của khách du lịch, qua đó nhận biết những đặc điểm loại hình du lịch du khách mong muốn trải nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý tại khu bảo tồn này.

2-1

TÓM TẮT:

Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bình Châu - Phước Bửu ở vị trí gần với các thành phố lớn và các khu công nghiệp, nơi có dân số đông, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao. Điều kiện khí hậu thủy văn thuận lợi. Dân cư ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có thể đến du lịch sinh thái ở đây quanh năm.

Từ năm 2002, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu bắt đầu tiến hành mở cửa đón khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch sinh thái ở đây còn rất hạn chế, các hoạt động du lịch còn đơn giản, chưa thu hút, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch nơi này.

Bài viết phân tích thực trạng lựa chọn địa điểm du lịch sinh thái Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu của khách du lịch, qua đó nhận biết những đặc điểm loại hình du lịch du khách mong muốn trải nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý tại khu bảo tồn này.

------------------

Bà Rịa- Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Đặc biệt, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bình Châu - Phước Bửu ở vị trí gần với các thành phố lớn và các khu công nghiệp, nơi có dân số đông, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao. Điều kiện khí hậu thủy văn thuận lợi. Dân cư ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có thể đến du lịch sinh thái ở đây quanh năm.

Theo thông tin từ Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, khu rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu thuộc phía Nam Huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT, với diện tích tự nhiên hơn 10.537 ha, trải dài trên địa phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu. Đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam.

Từ năm 2002, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu bắt đầu tiến hành mở cửa đón khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch sinh thái ở đây còn rất hạn chế, các hoạt động du lịch còn đơn giản, chưa thu hút, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch nơi này. Trong bài viết này, nhóm tác giả muốn phân tích thực trạng lựa chọn địa điểm du lịch sinh thái Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu của khách du lịch nhằm nhận biết những đặc điểm loại hình du lịch mà họ mong muốn trải nghiệm.

1. Phương pháp thực hiện

Nhóm tác giả tham khảo các bài nghiên cứu trên các hệ thống cơ sở dữ liệu uy tín về chủ đề nghiên cứu và các vấn đề liên quan như Google Scholar; hệ thống Scopus, và các dữ liệu học thuật uy tín khác. Sau đó chọn lọc các đề tài gần hoặc có liên quan đến đề tài của nhóm tác giả. Tiếp đó thực hiện viết tổng quan đề tài, xác định các phương pháp thu thập, xử lý và phân tích số liệu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn loại hình du lịch sinh thái tại địa điểm khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Giai đoạn 1: Nhóm nghiên cứu thực hiện thiết kế bảng câu hỏi khảo sát thông qua phương pháp thảo luận trực tiếp, phỏng vấn chuyên gia, nghiên cứu các tài liệu, báo cáo trước đây liên quan đến đề tài. Kết quả giai đoạn 1 là xác định mô hình nghiên cứu đề xuất và hoàn thiện bảng câu hỏi phỏng vấn dựa các mô hình nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng.

Giai đoạn 2: Khảo sát bằng bảng câu hỏi nhằm thu thập và phân tích dữ liệu khảo sát. Tác giả gửi bảng khảo sát đến khách du lịch trong độ tuổi từ 25 đến 65 tuổi sinh sống trong khu vực miền nam Việt Nam, từ tỉnh Cà Mau đến tỉnh Ninh Thuận, sẵn sàng tham gia phỏng vấn, có sự hiểu biết về loại hình du lịch sinh thái.

2. Kết quả nghiên cứu

Sau khi tiến hành khảo sát qua bảng câu hỏi trực tiếp và gián tiếp từ Google Form, nhóm tác giả nhận được 240 bảng trả lời, tiến hành lọc, loại bỏ các bảng khảo sát không hợp lệ (do chưa trả lời đầy đủ thông tin trong bảng hỏi), nhóm tác giả sử dụng 235 bảng trả lời phù hợp để chạy mô hình. Kết quả thực hiện được thể hiện qua các bảng sau:

B1

Dữ liệu trong bảng 1 cho thấy: có 143 khách du lịch là Nữ giới chiếm 60.9% và 92 khách hàng là Nam giới chiếm 39.1% tham gia vào khảo sát, cho thấy Nữ giới có xu hướng quan tâm đến hoạt động du lịch nhiều hơn Nam giới. Du khách tập trung ở độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi (46.8%), độ tuổi từ 18 - 24 tuổi (28.9%), độ tuổi từ 35 đến 44 tuổi có số lượng 44 người tham gia chiếm 18.7%, độ tuổi trên 44 có số lượng khách hàng tham gia khảo sát ít nhất, chỉ chiếm 5.5% tổng số khách du lịch tham gia phỏng vấn, như vậy có thể thấy độ tuổi từ 25 - 34 tuổi có sự quan tâm lớn đến các hoạt động du lịch, các hình thức và loại hình du lịch khác nhau. Ngoài ra, ở độ tuổi này có mức ổn định về công việc và thu nhập nên đây là đối tượng tiềm năng cho các hoạt động du lịch, nhất là du lịch sinh thái hoà hợp cùng thiên nhiên.

Du khách có trình độ học vấn Đại học có tỷ lệ lớn trong cuộc khảo sát, với 162 du khách chiếm 68.9% tổng số người trả lời, nhóm khách du lịch có trình độ học vấn cao đẳng có số lượng cao thứ hai với 51 khách hàng tương ứng tỷ lệ 21.7%, người trả lời có trình độ sau đại học có số lượng 20 người, tỷ lệ 8.5% xếp vị trí thứ 3 trong nhóm học vấn, khách hàng có trình độ phổ thông có số lượng 2 người, chỉ chiếm tỷ lệ rất ít là 0.9% trên tổng số lượng du khách trả lời phỏng vấn. Kết quả này cho thấy, ở trình độ học vấn từ đại học trở lên, du khách lựa chọn các loại hình du lịch kỹ lưỡng hơn, quan tâm nhiều hơn về hình thức, phương tiện di chuyển đến địa điểm du lịch, chất lượng điểm đến du lịch.

Về thu nhập, những người được hỏi đa phần có thu nhập hàng tháng dao động từ 11 đến 20 triệu đồng/tháng, họ chủ yếu làm văn phòng, doanh nhân. 17.9% số người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng hầu hết là sinh viên. 10.2% có thu nhập từ 5- 10 triệu/ tháng là cán bộ nhà nước, giảng viên. Số ít người còn lại có thu nhập từ trên 20 triệu đồng/tháng (8.1%).

Thực trạng du lịch tại điểm đến KBTTN Bình Châu Phước Bửu

Về mức độ đi du lịch trong năm. Với câu hỏi khảo sát được đưa ra là tần suất đi du lịch của du khách là bao nhiêu lần trong năm, nhóm nghiên cứu đã nhận được kết quả trình bày trong bảng 2.

B2

Với kết quả được trình bày trong bảng 2, có thể nhận thấy du khách tham gia du lịch với tần suất từ 1 đến 2 lần trong năm (mức độ Hiếm khi) có mức lựa chọn cao nhất với 111 người (47.2%), tần suất tham gia du lịch Thỉnh thoảng có số lựa chọn cao thứ hai với 102 người (43.4%), mức độ thường xuyên chỉ có 22 lựa chọn (9%) và không có du khách nào đánh giá ở mức hiếm khi tham gia du lịch (0%). Như vậy có thể thấy hoạt động du lịch là hoạt động thiết yếu của người dân, khi trong năm sẽ có ít nhất từ 1 đến 6 lần khách hàng lựa chọn hình thức du lịch cho những thời điểm nghỉ ngơi, lễ tết, hè …của mình. Đây được xem là cơ sở để các hoạt động du lịch thiết thực, gắn kết du khách cần được triển khai. Vì du khách luôn mong muốn được nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng, và khi du khách đã lựa chọn loại hình du lịch, nhất là các hoạt động hoà hợp thiên nhiên, sẽ tìm những địa điểm yên bình, tránh xa nơi bụi bẩn, đông đúc để có thể trải nghiệm những hoạt động gần gũi với thiên nhiên cũng như không tổn hại đến cảnh quan, môi trường sống của các khu vực này.

Về loại hình du lịch du khách muốn trải nghiệm

Với câu hỏi xoay quanh việc lựa chọn loại hình du lịch người dân mong muốn trải nghiệm, kết quả khảo sát được ghi chú trong bảng 3.

B3

Với kết quả ở bảng 3 cho thấy du khách đang ưa chuộng hình thức du lịch nghỉ dưỡng, với kết quả 110 người chiếm tỷ lệ 46.8% lựa chọn loại hình này, tiếp theo hình thức du lịch sinh thái, gắn kết với thiên nhiên có sự lựa chọn nhiều đáng kể với 87 lựa chọn, chiếm 37.0% số lượng khảo sát, điều này cũng phù hợp với xu hướng hiện nay, khi du khách muốn tận hưởng những điều mới mẻ như muốn học hỏi nhiều điều mới mẻ tại địa phương, tìm hiểu văn hoá và ẩm thực của người dân bản địa, những loại hình trước đây còn rất xa lạ, nhưng đang là xu thế mới (Vinpearl, 2024). Với số ngừơi lựa chọn hình thức du lịch theo hội nhóm là 20 du khách, tỷ lệ 8.5%, và cuối cùng loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá có số lượng 18 ngừoi chiểm tỷ lệ 7.7% trong tổng số lượng du khách tham gia cuộc khảo sát. Nhìn chung với kết qủa trên, có thể thấy loại hình du lịch sinh thái, các hoạt động vui chơi hoạ mình với cây cối, nước non tại địa điểm du lịch, các hoạt động trải nghiệm không làm tác động đến cảnh quan và môi trường sống của động thực vật trong khu du lịch đang được quan tâm nhiều hơn.

Về mức chi tiêu sẽ sử dụng cho dịch vụ du lịch sinh thái

Cuối cùng trong nhóm câu hỏi các đặc điểm liên quan đến du khách, thực trạng khi lựa chọn các loại hình du lịch là câu hỏi về mức chi tiêu phù hợp đối với loại hình du lịch sinh thái.

B4

Các đáp viên đã lựa chọn mức chi tiêu phù hợp cho mình trong mức từ 2 - 5 triệu nhiều nhất với 150 kết quả, chiếm 63.8%, kết quả này là hoàn toàn phù hợp, vì với thu nhập tính theo GDP/ngừơi của Việt Nam năm 2023 ở mức 8 triệu đồng/tháng (Bùi Trinh, 2024), du khách có thể trích một phần chi tiêu của mình cho hoạt động nghỉ ngơi, du lịch sau những ngày làm việc, tái tạo sức lao động và sức khoẻ cho chuỗi ngày làm việc tiếp theo. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trước đây của tác giả Tú Uyên (2024) từ báo Pháp luật cho biết, mức chi tiêu trung bình của phần lớn người Việt từ 2-5 triệu đồng/mỗi chuyến đi. Đặc biệt, lứa trẻ từ 25 tuổi đến 34 tuổi chi tiêu cho du lịch mạnh hơn gần 70% chi tiêu từ 5 triệu đồng trở lên/mỗi chuyến đi. Tiếp theo mức chi tiêu dứoi 2 triệu có số lựa chọn là 67 ngừoi, chiếm tỷ lệ 28.5%, đây là những du khách có dự định thực hiện chuyến lưu trú ngắn ngày cho các chuyến tham quan, du lịch của mình. Có 18 đáp viên lựa chọn mức chi tiêu trên 4 triệu đồng, với tỷ lệ 7.7%, các đáp viên này mong đợi ngoài những hoạt động du lịch hấp dẫn như tham quan địa hình, địa mạo tại điểm đến, các hoạt động hoà hợp thiên nhiên như trả các loài thú về tự nhiên, ngắm nhìn các hoạt động của muôn thú nhưng không tác động đến địa bàn sinh sống của chúng…họ còn mong muốn mua được những sản phẩm đặc sản tại địa phương như thực phẩm hoặc các sản phẩm từ người dân bản địa.

3. Giải pháp

Thứ nhất, giải pháp về công tác quản lý, nguồn nhân lực

Cảnh quan thiên nhiên, diện mạo của các KBTTN cần được duy trì nhằm thu hút khách du lịch đến với địa điểm này, đồng thời cần phân biệt loại hình du lịch sinh thái với các loại hình du lịch khác là vấn đề cần được quan tâm. Do đó, giải pháp về công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu. Để nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện xây dựng đề án cơ cấu tổ chức, nhân sự nhằm:

- Củng cố lại cơ cấu tổ chức, bổ sung nhân sự:

+ Khuyến khích cán bộ, viên chức tham gia các khóa học nâng cao trình độ, mở các lớp huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực của cán bộ, viên chức. Tổ chức thực hiện hoạt động nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ của BQL Khu bảo tồn thông qua các dự án do các tổ chức trong nước và quốc tế tài trợ.

+ Ưu tiên xem xét tuyển dụng lao động địa phương, đặc biệt là các hộ nhận khoán bảo vệ rừng nếu họ có năng lực, sức khỏe để trở thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp hoặc thu hút họ vào tham gia các hoạt động du lịch như chuyên chở khách, hướng dẫn khách du lịch, làm các dịch vụ du lịch.

+ Thông qua các lớp huấn luyện, chuyên môn trang bị các kiến thức về luật pháp, đa dạng sinh học cho cộng đồng, cán bộ địa phương. Tiếp tục thực hiện các nội dung của hoạt động quản lý của BQL Khu bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Thứ hai, giải pháp về tổ chức các hoạt động tham quan gắn kết cộng đồng

- Cần đưa ra nhiều chương trình du lịch gắn kết thiên nhiên, sinh động và hấp dẫn du khách, khai thác những lợi thế sẵn có tại địa phương, như ngoài các hoạt động tắm bùn khoáng, KBTTN Bình Châu Phước Bửu có thể mở các buổi hội thảo về tìm hiểu các loại bùn khoáng tại địa phương có đặc điểm gì, công dụng của việc tắm bùn khoáng đem đến lơi ích gì cho du khách, tham quan các nguồn sinh khoáng.

- Tổ chức các buổi thảo luận quy mô nhỏ về tạo các sản phẩm từ nguyên liệu thực vật có sẵn tại KBTTN Bình Châu Phước Bửu, sau hội thảo du khách vừa có thể tìm hiểu về đa dạng sinh học tại địa phương, và có thể đem các sản phẩm mình làm được về nhà.

- Xây dựng vườn lan rừng tự nhiên để bảo tồn các loại lan rừng quý hiếm, kết hợp tham quan, nghiên cứu. Mở các tuyến xuyên rừng giới thiệu về tài nguyên động - thực vật rừng kết hợp nghỉ dưỡng.

Thứ ba, giải pháp về phối hợp các biên liên quan

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng và thực hiện tốt các chương trình giám sát biến động về tài nguyên động, thực vật rừng trong khu rừng đặc dụng. Làm tốt công tác phối hợp giữa lực lượng Bảo vệ rừng, Kiểm lâm, Công an, Dân quân tự vệ và các lực lượng khác trong công tác bảo vệ rừng. Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời những biến động về tài nguyên động, thực vật rừng vào hồ sơ tiểu khu, hồ sơ quản lý rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiện đang sinh sống trong rừng chấp hành các quy định về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho người dân tham gia và chia sẻ lợi ích từ các hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Thứ tư, giải pháp về nguồn vốn, huy động nguồn vốn đầu tư, kết hợp các hoạt động quảng bá du lịch

Để thực hiện nhiệm vụ của Phương án quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn đạt được như mục tiêu đặt ra, nguồn vốn đầu tư được huy động từ các nguồn sau: Vốn ngân sách nhà nước, Vốn huy động của các doanh nghiệp thuê môi trường rừng: Sau khi đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn được phê duyệt, BQL Khu bảo tồn sẽ chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương thức liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm huy động nguồn vốn góp phần đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu vực hợp đồng thuê môi trường như nhà nghỉ mini, nhà dịch vụ, khu vui chơi giải trí, hệ thống đường trục, đường dạo, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước, thu gom và xử lý rác thải. Vốn nước ngoài: Huy động các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức nước ngoài để đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đối với các dự án phát triển vùng đệm kêu gọi vốn viện trợ và đầu tư của các nước và tổ chức quốc tế. Vốn tự có: Khu bảo tồn huy động nguồn vốn tự có từ nguồn thu dịch vụ du lịch, cho thuê môi trường rừng.

Hiện nay, Internet và các trang mạng xã hội là công cụ đắc lực hiệu quả để đưa thông tin gần hơn với du khách. Thông qua các nền tảng Facebook, Tiktok, Instagram…BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu Phước Bửu có thể cập nhật thường xuyên các hoạt động tại đây, đồng thời kết hợp với các KOL để họ đưa những bình luận, nhận xét tích cực về điểm đến và thu hút giới trẻ hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Sadry, B. N. (2009). Fundamentals of Geotourism: With a special emphasis on Iran. Samt Organization publishers, Tehran, Iran. Research Gate ISBN: 978 964 530 415 5. https://www.researchgate.net/publication/350383484_Fundamentals_of_Geotourism_With_Special_Emphasis_on_Iran

2. Shasha, Z.T., Geng, Y., Sun, Hp. et al.(2020) Past, current, and future perspectives on eco-tourism: a bibliometric review between 2001 and 2018. Environ Sci Pollut Res 27, 23514-23528 (2020). https://doi.org/10.1007/s11356-020-08584-9

3. TIES (The International Ecotourism Society). (n. d.). Retrieved September 10, 2009, from http://www.ecotourism.org/site/c.orLQKXPCLmF/b.4835303/k.BEB9/What_is_Ecotourism__The_Internati onal_Ecotourism_Society.htm.

Phạm Thuỳ Dung - Nguyễn Thị Bình Minh - Bùi Thị Kim Hoàng - Phan Thị Lệ Hằng

Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 6/2024
Bạn đang đọc bài viết Phân tích thực trạng lựa chọn điểm đến du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899