Phát triển bền vững chuỗi giá trị tre luồng theo hướng
TCDN - Đây là nội dung chính của Hội nghị Xây dựng chuỗi giá trị tre luồng theo hướng phát triển bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, Ủy ban nhân dân huyện Lang Chánh tổ chức ngày 01/03.
Hoạt động năm trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án: “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam” (SCBV) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu.
Theo báo cáo từ sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá, bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80.000 tấn nguyên liệu khác như mùn cưa, phục vụ chế biến và xuất khẩu, giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt trên 552 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu bình quân 2,17 triệu USD, giải quyết việc làm cho 102 nghìn lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp. Việc liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị đang được triển khai thực hiện có hiệu quả, hiện nay có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tiềm năng phát triển về tre luồng tại Thanh Hoá rất lớn, nhưng trong thời gian qua việc trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến các sản phẩm từ cây luồng còn nhiều hạn chế như: việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân trong trồng và chăm sóc luồng còn hạn chế, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết diện tích rừng luồng thâm canh phục tráng nằm trên địa bàn có địa hình phức tạp, đất đai cằn cỗi; khó khăn về lực lượng lao động, hầu hết rừng luồng đã có là luồng thuần loài và được khai thác liên tục trong nhiều năm đến nay đã bộc lộ nhiều nhược điểm, năng suất, chất lượng giảm, nhiều diện tích bị khai thác quá mức, các cơ sở tiêu thụ, chế biến luồng còn nhỏ lẻ, hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hoá sau chế biến chưa cao…
Ông Cao Văn Cường, tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước với khoảng 78.000 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân…. Sản lượng khai thác luồng trung bình khoảng 1,2 triệu tấn/ năm. Một phần sản lượng được cung cấp cho các cơ sở chế biến, phục vụ công trình xây dựng và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến là hộ gia đình. Phần còn lại được tiêu tụ thị trường ngoài tỉnh để làm các sản phẩm xuất khẩu, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên do tập quán chăm sóc lạc hậu, khai thác quá mức khiến cho rừng luồng trở nên kiệt quệ. Chính vì vậy, đồng chí đề nghị, hội nghị cần tập trung bàn các giải pháp, thống nhất định hướng để phát triển vùng luồng Thanh Hoá một cách bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc phát triển cây luồng, góp phần nâng giá trị cây luồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị của lãnh đạo các huyện, các doanh nghiệp, Hiệp hội tre luồng Thanh Hoá cũng như người dân trực tiếp trồng luồng đã nêu lên thực trạng, những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển, nâng cao giá trị cây luồng, tình hình khai thác, chế biến cây luồng cũng như các sản phẩm từ cây luồng trên địa bàn các huyện như Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hoá… đồng thời đề xuất một số giải pháp trong phát triển, nâng cao giá trị cây luồng như: các chính sách hỗ trợ người trồng luồng, xây dựng đường lâm nghiệp để thuận lợi cho khai thác, vận chuyển; đề xuất các chính sách phát triển vùng tre luồng , chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; việc cấp chứng chỉ FSC cho rừng luồng, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến tre luồng, nghiên cứu và đưa vào trồng các giống luồng có năng suất, chất lượng cao; phát triển, nâng cao giá trị cây luồng để cây luồng không còn là cây tiềm năng mà trở thành cây thế mạnh trong phát triển kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ mong muốn rằng tỉnh Thanh Hoá nói chung và các huyện miền núi của tỉnh nói riêng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm có giá trị từ các vùng nguyên liệu của địa phương vào thị trường trong và ngoài nước. Mặc dù bước đầu triển khai sẽ gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nếu có sự chung sức và quyết tâm cao của chính quyền, doanh nghiệp và người dân tin tưởng mô hình chuỗi giá trị tre luồng tại Thanh Hoá sẽ đem lại giá trị lớn không chỉ về phát triển kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường, đời sống người dân sẽ được nâng cao.
Cục trưởng Phạm Hồng Quất cũng yêu cầu các địa phương, các ngành chuyên môn, đặc biệt là Hiệp hội tre luồng cần có nhiều sáng kiến để phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm như: quan tâm đến việc tạo giống mới, ươm giống phát triển vùng trồng mới trên địa bàn các huyện vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế về cây luồng.
Trước khi tổ chức hội nghị, ngày 28/2, các đại biểu đã đến thăm nhà máy chế biến tre luồng của Công ty Cổ phần Bamboo King Vina tại cụm công nghiệp Bãi Bùi. Tại đây các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh và các huyện đã đánh giá cao tính ưu việt cũng như hiệu quả của nhà máy trong việc nâng cao giá trị của cây luồng bản địa. Trên diện tích 15ha, nhà máy chế biến tre luồng của công ty CP Bamboo King Vina sẽ tiêu thụ trên 500.000 tấn tre luồng mỗi năm, tạo việc làm cho 1500 lao động và hàng chục nghìn lao động gián tiếp tại Lang Chánh và các huyện lân cận; đồng thời, hướng tới sự phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất tre luồng tại huyện Lang Chánh và các huyện miền núi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899