Hơn 12.000 nông dân trong chuỗi giá trị tre được hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện các tiêu chuẩn bền vững

04/08/2022, 14:01

TCDN - Đây là thông tin được các chuyên gia dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre tại Việt Nam (SCBV) đưa ra tại hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam”.

ngheu tre

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hợp phần xúc tiến kinh doanh và phát triển thị trường của dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2018 – 2023 và dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thuỷ sản giai đoạn 2018 – 2023” do NSNN tài trợ, được triển khai dưới sự phối hợp giữa Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC).

TS. Phan Văn Thắng – chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ cho hay, dự án SCBV được triển khai từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2023, với tài trợ chính từ EU (chiếm 70% nguồn vốn của dự án).

Kết quả thực hiện dự án, đến nay đã có trên 12.000 nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong chuỗi tre được nâng cao năng lực để áp dụng các kỹ thuật sản xuất phù hợp và thực hiện các tiêu chuẩn bền vững (FSC).

Hiện đã có 2 chứng chỉ FSC cho cây tre được cấp cho các nhóm hộ tại Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó, chứng chỉ FSC cho vùng diện tích 2.400 ha cho cây luồng của 545 hộ thuộc 4 xã: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn, và Phú Lệ huyện Quan Hóa,Thanh Hóa. Chứng chỉ FSC cho cây Lùng với diện tích 938 ha cho nhóm hộ gồm 212 hộ tại 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Dự án cũng hỗ trợ thành công 11 mô hình liên kết thí điểm trồng tre theo chuỗi giá trị. Năm 2021, các tổ nhóm sơ chế mua nguyên liệu tre luồng cho người sản xuất quy mô nhỏ trong vùng trồng Thanh Hóa và Nghệ An với giá cao hơn 40% so với việc bán cho thương lái. Điều này cũng thúc đẩy giá bán nguyên liệu luồng ở Thanh Hóa và Nghệ An được nâng cao trung bình tăng 20-30% so với các năm trước.

Hiện, tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1.592.205ha, phân bố tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha với 6,5 tỷ cây, hằng năm khai thác 500-600 triệu cây, tương đương 2,5-3 triệu tấn. Sản phẩm chính gồm nguyên liệu thô/vật liệu xây dựng; chiếu/mành; tre đan; dụng cụ gia đình… Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre đạt khoảng 300-400 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc...

Cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre với khoảng 10.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến tre.

Thông tin về thị trường xuất khẩu sản phẩm tre, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối viên Dự án SCBV, cho biết tổng thương mại các sản phẩm từ tre trên toàn cầu đạt 57,86 tỷ USD năm 2021. Dự báo đến năm 2028, quy mô thị trường tre toàn cầu ​​sẽ đạt 82,90 USD. Hiện nay, Trung Quốc là nước xuất khẩu sản phẩm từ tre lớn nhất thế giới, chiếm 67% giá trị thương mại tre toàn cầu, trong khi Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về xuất khẩu tre nhưng mới chỉ chiếm 3% tổng giá trị thương mại tre toàn cầu.

“Đối thủ cạnh tranh mà ngành tre Việt Nam phải đối mặt chính là Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang thống trị thị trường sản phẩm tre toàn cầu, không chỉ về sản lượng, mà còn về năng lực kỹ thuật và chất lượng. Vì vậy, để cạnh tranh được với mặt hàng tre của Trung Quốc, chất lượng các sản phẩm tre Việt Nam cần phải bằng hoặc tốt hơn hàng của Trung Quốc và giá cả phải phù hợp”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Tre Việt Nam, hiện nay thị trường xuất khẩu sản phẩm tre, chủ yếu là tre thủ công mỹ nghệ tới thị trường Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, nhưng chúng ta đang thiếu sản phẩm tre công nghiệp có giá trị cao.

Trong khi đó, có tới 65% nguyên liệu tre không qua chế biến và chỉ sử dụng cho mục đích có giá trị kinh tế thấp như tre xây dựng, đũa dùng một lần… Ngoài ra, hoạt động marketing của ngành tre vẫn rất kém, thiếu sự phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Thu Trang
Bạn đang đọc bài viết Hơn 12.000 nông dân trong chuỗi giá trị tre được hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện các tiêu chuẩn bền vững tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan