Mô hình kinh doanh bao trùm & phát triển bền vững trong chuỗi giá trị tre ở Việt Nam

30/12/2021, 09:56

TCDN - Ngày nay, đóng góp cho phát triển bền vững đã trở thành điều doanh nghiệp “phải làm”, không chỉ là điều “nên làm”. Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) không còn là một khái niệm xa vời mà ngày càng được chú ý và có xu hướng gia tăng, nhất là tại các quốc gia hướng đến phát triển bền vững.

Doanh nghiệp tạo tác động xã hội

SIB (Social Impact Business) là nhóm các tổ chức, doanh nghiệp thông qua hoạt động thương mại, giải pháp kinh doanh để tạo tác động tích cực lên xã hội và môi trường. Các nhà nghiên cứu nhận định loại hình doanh nghiệp này bao gồm cả những đơn vị kinh doanh xã hội, khởi nghiệp tạo tác động xã hội và kinh doanh với người có thu nhập thấp.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với tác động từ đại dịch, biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, cùng những vấn đề về công bằng xã hội ngày càng trở nên rõ rệt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về tác động của mình lên xã hội, cũng như những lợi ích có thể đem lại cho cộng đồng. Bản chất kinh doanh là đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng nhất định. Khi các vấn đề xã hội, môi trường ảnh hưởng tới phần lớn nhân loại thì việc tham gia vào cải thiện xã hội, môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững chính là thị trường lớn nhất, cơ hội kinh doanh lớn nhất cho khu vực tư nhân và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang theo đuổi mô hình kinh doanh bao trùm, là mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, tích hợp việc giải quyết thách thức xã hội với quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp. Vậy, điều gì tạo nên thành công của các mô hình kinh doanh bao trùm? Oxfam tin rằng mô hình này có 3 đặc điểm chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cải thiện điều kiện sống của người nghèo bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội để họ có thể sống một cuộc sống xứng đáng, cung cấp cho họ các kỹ năng, tiếp cận với thị trường và cơ sở hạ tầng hoặc cung ứng các mặt hàng và dịch vụ cần thiết và trong khả năng chi trả của họ.

Thứ hai, các công ty làm việc cùng cộng đồng trong các chuỗi giá trị trên tinh thần hợp tác cùng có lợi để người sản xuất có thể kiếm đủ tiền sống một cuộc sống thỏa đáng, đồng thời thúc đẩy quá trình kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp sẽ đạt được các thành công về thương mại thông qua việc cải thiện năng suất và chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường bằng cách làm việc cùng người nghèo để tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Tiếp cận Kinh doanh bao trùm: cách thức tạo tác động xã hội

Kinh doanh bao trùm (Inclusive Business-IB) là mô hình kinh doanh có lợi nhuận nhưng đóng góp vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững thông qua việc gắn kết cộng đồng thu nhập thấp tham gia vào trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Mô hình kinh doanh bao trùm tạo dựng giá trị chung. Các doanh nghiệp phát triển chính sách, chiến lược và thực thi các chính sách chiến lược đó nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng nâng cao điều kiện kinh tế, môi trường và xã hội cho cộng động mà doanh nghiệp đó đang hoạt động. Cụ thể:

• Tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng thu nhập thấp – trực tiếp hoặc thông qua chuỗi giá trị của doanh nghiệp với vai trò nhà cung ứng, nhà bán lẻ, hoặc cung cấp dịch vụ.

• Phát triển các cách thức để cung cấp hàng hoá dịch vụ chất lượng, phù hợp với khả năng chi trả và đáp ứng nhu cầu cơ bản của người thu nhập thấp như thức ăn, nước uống, vệ sinh, nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

• Các mô hình kinh doanh sáng tạo giúp tăng cường khả năng người thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ phát triển như năng lượng sạch, truyền thông – viễn thông, tài chính & bảo hiểm.  

Mô hình kinh doanh bao trùm – nhìn từ chuỗi giá trị Tre ở Việt Nam

Nhờ có địa thế thuận lợi và nằm trong trung tâm vùng mây tre thế giới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu tre tự nhiên rất phong phú. Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 400-500 triệu cây tre nứa cho các ngành sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam hiện nay có hơn 720 làng nghề chế biến mây tre đan và hơn 1,000 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh mây tre đan. Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong số quốc gia xuất khẩu sản phẩm mây tre nhiều nhất thế giới, sau Trung Quốc, EU và Indonesia.

Vật liệu tre đang ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường EU như một sản phẩm thay thế gỗ. Với các đặc tính tương tự gỗ, sử dụng sản phẩm tre sẽ hạn chế việc chặt phá rừng, đảm bảo tính bền vững và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ngành tre Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do thực tiễn sản xuất không bền vững, mối liên kết trong chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả cao, khả năng cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm còn nhiều điểm yếu.

Mô hình chuỗi giá trị Tre ở Việt Nam.

Mô hình chuỗi giá trị Tre ở Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nơi có diện tích tre Lùng lớn nhất nhì nước, Công ty TNHH Đức Phong được thành lập ngày 15/3/1993 với tiền thân là Xí nghiệp KD chế biến thủ công mỹ nghệ (sản phẩm từ cây Lùng xuất khẩu). Đến tháng 8/2001 đổi thành công ty TNHH Đức Phong. Ngành nghề chính của công ty bao gồm sản xuất, chế biến, đào tạo nghề các mặt hàng mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Giám đốc Công ty là một sỹ quan Quân đội, sau khi hoàn thành sứ mệnh nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và công tác tại CHLB Đức trở về, với bản lĩnh người lính, ông luôn trăn trở và tìm kiếm cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh mưu sinh cho gia đình, xây dựng quê hương đất nước. Mặc dù sinh ra và lớn lên từ nghề thủ công, nhưng ông luôn đau đáu phải làm gì để giúp đỡ nhiều nhất cho lao động nông thôn, giúp họ có việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Chính vì lẽ đó ông đã quyết tâm thành lập Doanh nghiệp tư nhân khá sớm, ngay khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Trải qua bao nhiêu năm thăng trầm, vượt qua bao khó khăn và thất bại nhiều lần, song với lòng kiên trì, sáng tạo, đam mê và danh dự, ông đã đưa công ty do ông làm chủ từng bước phát triển, ông đã xây dựng và duy trì phát triển nghề mây tre cho Tỉnh nhà.

Điều đặc biệt là ông đã tư duy biết xây dựng lợi thế của nguồn nguyên liệu chính địa phương của ông, để phát triển một thương hiệu nguồn hàng đan lát thủ công mỹ nghệ nổi tiếng thế giới. Thị trường mà doanh nghiệp của ông hướng tới là các nước phát triển, xu hướng tiêu dùng và văn hóa của các nước đó, họ đã thúc đẩy để chính Công ty Đức Phong thường xuyên thiết kế tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong. (Ảnh: Oxfam Vietnam).

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong. (Ảnh: Oxfam Vietnam).

Công ty được thành lập trong bối cảnh nghề thủ công mỹ nghệ (sản phẩm từ cây Lùng xuất khẩu) Nghệ An có chiều hướng bị mai một do thị trường Đông Âu tan vỡ (1989-1992). Lực lượng lao động đã bỏ nghề, chuyển nghề. Cả tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ chỉ còn hơn 100 hộ biết nghề. Bằng sự nỗ lực cùng nhiều biện pháp như tổ chức lại lực lượng sản xuất, thiết kế mới sản phẩm, xây dựng chiến lược sản phẩm có tính độc đáo, khác biệt đó là tập trung vào sản phẩm đan 2 lớp được chế biến từ cây Lùng là cây đặc hữu tại tỉnh Nghệ An. Về thị trường công ty tăng cường tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, để tìm kiếm bạn hàng, và giới thiệu sản phẩm.

Song song với việc tìm kiếm thị trường Công ty Đức Phong gia tăng chế biến nguyên liệu bằng máy móc, thay thế cho chế biến bằng thủ công trước đây. Việc đào tạo nghề và hướng dẫn kỹ thuật cho lao động nông thôn cũng được áp dụng một cách linh hoạt và đột phá, đó là mở các lớp đào tạo cơ bản. Tại các làng nghề, địa phương, đưa giáo viên dạy nghề bằng cách cầm tay chỉ việc, mở lớp nơi dân cư sinh sống, đào tạo nghề cho mọi lứa tuổi, giúp họ ly nông nhưng không ly hương, vừa đào tạo nghề vừa tổ chức xây dựng các tổ đội sản xuất, xây dựng làng nghề... Từ chỗ chỉ có hơn 100 hộ gia đình biết nghề thì đến năm 2004 -2005 đã có hàng vạn lao động và trên 30 cơ sở sản xuất và làng nghề được xây dựng. Từ chỗ sản phẩm đan lát Nghệ An bị mai một thì đến nay sản phẩm đã có thương hiệu, và được mở rông tiêu thụ trên 34 quốc gia trên thế giới.

Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hàng có uy tín và có thương hiệu trên thị trường quốc tế, các sản phẩm sẽ cạnh tranh bằng cách đi theo hướng bền vững, chuyển tải thông điệp về môi trường, văn hóa tới tận tay người tiêu dùng, Công ty TNHH Đức Phong tìm kiếm, kiểm nghiệm và lựa chọn kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc tự nhiên có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và nước ngoài. Công ty phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo tiêu chí phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các vùng nông thôn Nghệ An. Công ty đặt cho mình mục tiêu sứ mệnh là giúp cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc tự nhiên của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, EU và một số quốc gia khác, góp phần xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thủ công mỹ nghệ quốc tế.

Công ty có một trung tâm đào tạo Đồng Tâm chuyên dạy nghề cho nông dân đặt tại lô 15 khu Công nghiệp Nghi Phú Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An. Các lớp học được tổ chức và sử dụng cơ sở vật chất tại địa phương. Học viên được cung cấp chi phí tiền ăn, nước uống và dụng cụ học nghề miễn phí. Sản phẩm làm ra trong thời gian học nghề được công ty bao tiêu với giá cả ngang bằng giá cả sản xuất sau khi học.

Công ty đã triển khai các lớp học, tập huấn phương thức khai thác, chế biến nguyên vật liệu cho bà con nguời dân tộc thiểu số. Qua đó nâng cao nhận thức, kinh nghiệm cho người lao động nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng phát triển bền vững, khai thác lâu dài, công việc ổn định tránh tình ttrạng khai thác ồ ạt tàn phá rừng như trước đây. Hàng năm Trung tâm còn tổ chức các lớp học ngắn ngày tại trung tâm nhằm bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho người quản lý làng nghề địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản phẩm của Đức Phong và công nghệ sản xuất hiện nay giúp tận dụng được các nguồn lao động tại chỗ, từ 35 tuổi trở lên, tạo thu nhập cho mọi độ tuổi, góp phần ổn định dân số, hạn chế di dân như phát triển công nghiệp.

Qua nhiều năm phát triển sản xuất và đào tạo, lực lượng lao động sản xuất thời vụ tại các hộ gia đình có thể tham gia vào hoạt động gia công thuê cho công ty Đức Phong hiện nay đã lên tới khoảng 1.500-1.700 người ở 28 làng nghề và 25 đơn vị chưa thành lập làng nghề ở các huyện thuộc 2 tỉnh Nghệ An (huyện Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc..) và Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc…). Mỗi lao động trung bình mỗi ngày sản xuất được 3 sản phẩm và có thể sản xuất ở mọi điều kiện địa hình, thời gian khác nhau nên rất phù hợp với lao động nông nhàn. Như vậy, bình quân mỗi tháng có thể sản xuất ra khoảng 40.000 sản phẩm.

Hình ảnh một buổi lao động của người dân địa phương tại làng nghề mây tre đan huyện Nghi Lộc (Ảnh: Oxfam Việt Nam).

Hình ảnh một buổi lao động của người dân địa phương tại làng nghề mây tre đan huyện Nghi Lộc (Ảnh: Oxfam Việt Nam).

Như vậy, việc theo đuổi và thực hiện mô hình kinh doanh bao trùm đã giúp Công ty THNN Đức Phong mang tới thu nhập định kỳ  cho các cộng đồng yếu thế như các nhóm sản xuất nhỏ, nông hộ hoặc hộ kinh doanh nhỏ, phụ nữ và thanh thiếu niên, song song với việc tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Công ty sử dụng các cách thức linh hoạt để giúp các nhóm sản xuất nhỏ và siêu nhỏ dễ dàng hơn trong việc cung ứng hàng hoá, ví dụ như thanh toán ngay chi phí thu mua nguyên liệu tre Lùng, chấp nhận đơn hàng nhỏ, thu mua ổn định thường xuyên. Bên cạnh đó, công ty đã tăng cường các kĩ năng và chuyên môn của các nhân tố trên thị trường, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy minh bạch trong cơ chế giá và chia sẻ rủi ro;

Việc liên kết chặt chẽ với các tác nhân trong chuỗi giá trị giúp công ty đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, củng cố và mở rộng nguồn lao động thông qua tiếp cận nguồn lao động địa phương có kĩ năng phù hợp, đạt hiệu quả chi phí.  Các sản phẩm của công ty mang tính sáng tạo cao, tiếp cận nhiều thị trường cao cấp trên thế giới, đóng góp vào phát triển xã hội tạo ra danh tiếng, uy tín với đối tác và địa phương.

Thúc đẩy mô hình tăng trưởng bao trùm trong các chuỗi giá trị ở Việt Nam

Mô hình kinh doanh bao trùm không chỉ  nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, tối ưu hoá nguồn lực địa phương, phát triển chuỗi giá trị song hành với vùng nguyên liệu bền vững, sản phẩm cạnh tranh bền vững mang thương hiệu địa phương mà còn phát triển bền vững kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế song song với tạo việc làm bền vững, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường…  Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của đất nước.

PV - Dự án SCBV-VCCI
Bạn đang đọc bài viết Mô hình kinh doanh bao trùm & phát triển bền vững trong chuỗi giá trị tre ở Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tập trung phát triển bền vững nguồn lực tài chính quốc gia
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ về nhiệm vụ và trọng trách mới được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhấn mạnh việc tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.