Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược tiếp cận mới qua "8 chữ G”

13/03/2021, 18:20

TCDN - Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên) đã từng bước phát huy hiệu quả. Tại Hội nghị lần thứ 3 này, những nội dung quan trọng, đã được Thủ tướng đúc kết trong “8 chữ G”.

Ngày 13-3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đây là hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trăn trở của các chuyên gia, các địa phương… với mong muốn mang lại sự phát triển cho đồng bằng. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, chính sách để phát triển ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh nhất vùng đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 được ra đời cũng trên tinh thần đó, với những giải pháp và hành động không chỉ đơn thuần để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, mà xa hơn là sự sẻ chia của tất cả cùng hướng về đồng bằng.

Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng vẫn có đó nhiều tồn tại, hạn chế. Thủ tướng giao các bộ, ngành có liên quan để sung vào Nghị quyết 120 những nội dung quan trọng, đã được Thủ tướng đúc kết trong nội hàm “8 chữ G”.

Thứ nhất là “Giao”, tức là giao thông. Phải ưu tiên dành nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông cho đồng bằng, tạo sự liên kết, kết nối thông thoáng, giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy giao thương, mở mang phát triển kinh tế. Nghị quyết 120 mở ra định hướng phát triển thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nhưng các công trình, dự án vẫn rất quan trọng. Điển hình là tại các vùng sạt lở, người dân bị mất đất đai nhà cửa rất cần được hỗ trợ quan tâm xây dựng đường sá, nơi ở…

Thứ hai là “Giáo dục”. Thủ tướng gọi đây là “chìa khóa vàng” để phát triển bền vững. Phải đảm bảo rằng tất cả mọi người, nhất là trẻ em đều phải được đến trường. Giáo dục trước hết phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, tạo ra đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, tiếp đến là những người quản lý, lãnh đạo ưu tú.

Chữ G thứ ba là “Giang”, tức là sông. ĐBSCL được gọi là vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đây là thứ tài nguyên có tính chiến lược mà ít nơi nào có được. Khái niệm “kinh tế sông” cần được nghiên cứu. Phát triển kinh tế phải gắn với sông nước. Tận dụng tiềm năng của sông nước vào sản xuất nông nghiệp, làm đòn bẩy cho phát triển.

Chữ G thứ tư là “Gắn”, tức gắn kết. Hiện nay, biến đổi khí hậu đã vượt qua khỏi địa giới hành chính, vượt quá khả năng và chức năng của bất kỳ địa phương nào. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải liên kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, không thể phát triển rời rạc.

Chữ G thứ năm là “Giàu”. Phải thu hút người giàu, khá giả, những doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư cho vùng. Theo đó, cần cải thiện môi trường, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh ở mỗi địa phương.

Chữ G thứ sáu là “Giỏi”. Phải thu hút nhân tài, nhà trí thức, các chuyên gia đến làm việc, cộng tác cho vùng ĐBSCL. Để làm được việc này cần có có chính sách thu hút để họ cống hiến.

Chữ G thứ bảy là “Già”. ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tỉ lệ cao nhất nước. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề. Do vậy cần có những chính sách an sinh xã hội kịp thời và hiệu quả để chăm lo nhóm đối tượng này, giảm thiểu những hoàn cảnh đau lòng trong xã hội.

Chữ G cuối cùng là “Giới”. Phải thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của người phụ nữ, tạo công ăn việc làm, đảm bảo họ được tiếp cận đầy đủ những tiến bộ của xã hội…

Thủ tướng nhấn mạnh, những nội hàm trong 8 chữ G vẫn còn thiếu sót hoặc chưa được phản ánh đầy đủ trong Nghị quyết 120; và đề nghị những bộ ngành có liên quan bổ sung vào Nghị quyết.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy, hoàn thiện các thị trường, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là phải linh hoạt trong các quy hoạch, chuyển đổi cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, cho thu nhập cao hơn, đảm bảo sinh kế cho người dân… Trong chức năng nhiệm vụ được giao, từng bộ, ngành sẽ thực hiện những công việc cụ thể.

Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều thành quả, nhưng không thể lấy đó để kể công, kể thành tích, mà phải xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm phải làm. Đây cũng chỉ là bước khởi đầu, và còn những chặng đường dài tiếp theo với rất nhiều việc phải thực hiện…

Mai Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược tiếp cận mới qua "8 chữ G” tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan