Phát triển các liên kết chiến lược các chuỗi cung ứng - kinh ngiệm thế giới và định hướng giải pháp cho Việt Nam

18/07/2023, 11:01
báo nói -

TCDN - Mục tiêu của nghiên cứu này hướng tới việc làm rõ cơ sở lý thuyết về liên kết chiến lược trong CCU thực phẩm, khai thác các bài học giá trị từ các mô hình liên kết chuỗi theo định hướng chiến lược thành công trong ngành chăn nuôi và cung ứng thịt trên thế giới.

tai chinh quoc te

TÓM TẮT:

Việt Nam là một quốc gia có tiềm lực rất to lớn trong ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, song với phương thức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún cùng với hoạt động tổ chức phân phối, kinh doanh còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu là những cản trở không nhỏ đối với việc khai thác các giá trị tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng đặt ra những bài toán nan giải trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, việc phát triển các liên kết chiến lược trong các chuỗi cung ứng (CCU) thực phẩm, trong đó có CCU ngành hàng thịt theo hướng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là rất cần thiết nhằm mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, qua đó mang đến lợi ích tốt hơn cho khách hàng cũng như cho toàn bộ các tác nhân khi tham gia trong chuỗi liên kết.

Mục tiêu của nghiên cứu này hướng tới việc làm rõ cơ sở lý thuyết về liên kết chiến lược trong CCU thực phẩm, khai thác các bài học giá trị từ các mô hình liên kết chuỗi theo định hướng chiến lược thành công trong ngành chăn nuôi và cung ứng thịt trên thế giới. Mặt khác, trên cơ sở thu thập các dữ liệu thứ cấp về thực trạng tổ chức và liên kết các CCU ngành hàng thịt ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu cũng hướng tới việc đề xuất các mô hình và giải pháp nhằm phát triển các liên kết chiến lược trong các CCU ngành hàng thịt ở Việt Nam thời gian tới.

1. Kinh nghiệm phát triển các liên kết chiến lược trong một số chuỗi cung ứng thịt trên thế giới

1.1 Kinh nghiệm tổ chức CCU thịt lợn mang nhãn hiệu tập thể Eichenhof ở CHLB Đức

Hình 1 dưới đây mô tả cấu trúc và các thành phần của CCU thịt lợn Eichenhof. Đây là một mạng lưới CCU thịt lợn thành công và có thương hiệu nằm ở phía Tây Bắc nước Đức. CCU này chuyên cung cấp các SP thịt lợn tươi sống với sản lượng 18.000 ca/ 1 năm và những SP chế biến từ thịt lợn với sản lượng trung bình 400.000 ca/ 1 năm. Chuỗi được thiết lập và phối hợp bởi HTX (tổ hợp tác) của những nông trại CN liên kết với các lò mổ và các đơn vị sản xuất, chế biến.

Tất cả các thành viên tham gia trong CCU Eichenhof đều phải ký kết các hợp đồng và tuân thủ theo chính sách chất lượng chung của chuỗi, cũng như thực hiện theo một chương trình chất lượng với nhãn riêng của chuỗi. Eichenhof đã thiết lập các yêu cầu cụ thể liên quan đến chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thú y và hoạt động đảm bảo chất lượng. Tổ hợp tác của những hộ nông dân trong chuỗi sẽ đóng vai trò như một nhà phối hợp mạng lưới chuỗi, tiến hành soạn thảo và ký các hợp đồng với các nông trại, các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y các nhà cung cấp dịch vụ, các lò mổ và các cơ sở chế biến.

Trong trường hợp này, chuỗi Eichenhof có thể được coi như chuỗi tích hợp một phần (không phải tích hợp hoàn toàn) bởi tất cả các khâu trong chuỗi độc lập với nhau nhưng đều được kết nối thông qua một nhà phối hợp mạng lưới là tổ hợp tác của những nông trại chăn nuôi lợn.

Khi tham gia vào chuỗi, tất cả thành viên trong chuỗi từ chăn nuôi cho đến sản xuất, chế biến đều bắt buộc chỉ được cung ứng và kinh doanh những sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu Eichenhof.

11

Cơ chế liên kết đặc trưng của chuỗi Eichenhof là các yêu cầu chất lượng đều được thỏa thuận bởi tất cả các thành viên tham gia chuỗi. Chúng được xác định thông qua các hợp đồng dài hạn bằng văn bản. Văn phòng của tổ hợp tác sẽ thực hiện các chức năng điều phối trong chuỗi. Hệ thống quản trị liên kết của chuỗi Eichenhof được thực hiện theo mô hình 3 cấp độ như Hình 2.

11-h2

Hệ thống vừa được KSCL theo chương trình chất lượng với nhãn hiệu riêng nhưng đồng thời cũng dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và an toàn (QS - Quality and Safety) của CHLB Đức. Tất cả các thành viên tham trong chuỗi đều phải được chứng nhận tiêu chuẩn này. Ngoài ra, tiêu chuẩn Quốc tế về Thực phẩm (IFS - International Food Standard) cũng được áp dụng cho các lò mổ mà có cả hoạt động sơ chế kèm theo. Theo những yêu cầu khắt khe đối với chương trình chất lượng của chuỗi, các bác sỹ thú y cũng tham gia vào hệ thống hỗ trợ thú y thông qua các thỏa thuận chung. Bên cạnh đó, việc kiểm soát về mặt hành chính dọc theo chuỗi phải đáp ứng yêu cầu của luật pháp.Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu nhằm cung cấp thông tin giữa các thành viên trong CCU được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hệ thống liên kết trong toàn chuỗi. CCU thịt lợn Guijuelo là một trong bốn chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ thuộc CCU Iberian. Nó chiếm thị phần lớn nhất trong số các chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ đối với SP đùi lợn muối ở Tây Ban Nha. Vùng sản xuất thịt lợn Guijuelo thuộc tỉnh Salamanca, nằm ở phía Đông Nam của Tây Ban Nha, nơi hội tụ các yếu tố cần thiết về sinh thái học, con người và kỹ thuật để tạo nên SP đặc sản là đùi lợn muối Iberian. Năm 2006, có 1993 nông trại được đăng ký chỉ dẫn về nguồn gốc (PDO) Guijuelo, cung cấp 12.836 con lợn, và tất cả đều được kiểm soát bởi hội đồng kiểm soát PDO. Những trang trại này phải chăn nuôi lợn theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, có 72 DN ở tỉnh Salamanca được quyền chế biến, sản xuất SP đùi lợn muối mang chỉ dẫn này. Cấu trúc của CCU Guijuedo được thể hiện qua Hình 3.

11-h3

Mỗi một PDO đều được giám sát bởi một cơ quan gọi là hội đồng kiểm soát. Hội đồng kiểm soát sẽ thiết lập HTQT liên kết và xây dựng, tổ chức các hoạt động phối hợp cụ thể trong chuỗi. Cụ thể, hội đồng kiểm soát sẽ xây dựng và đưa ra những quy định cụ thể về SP, về vùng chăn nuôi, sản xuất. Thông qua các cuộc thanh tra trang trại để giám sát về mặt kỹ thuật và các điều kiện thú y, hội đồng kiểm soát sẽ chứng nhận cho vật nuôi cũng như giám sát chất lượng của các SP thịt tươi sống của các trang trại chăn nuôi, đồng thời giám sát và cấp chứng nhận cho các SP được chế biến ở các DN sản xuất, chế biến. Cơ chế liên kết chủ yếu giữa các thành viên trong chuỗi là hình thức thị trường giao ngay. Những người nông dân và các DN chế biến thường có mối quan hệ quen biết và giao dịch trong thời gian dài nên các giao dịch giữa họ thường là thỏa thuận miệng và không thông qua các hợp đồng bằng văn bản. Các chuyên gia kỹ thuật đến từ các DN chế biến sẽ theo dõi quá trình chăn nuôi thông qua các chuyến thăm và tư vấn kỹ thuật thường xuyên cho các trang trại. Nhờ đó mà họ sẽ nắm được các thông tin về cách chăn nuôi, tình trạng bệnh tật của vật nuôi và số lượng vật nuôi của từng trang trại. Ngoài ra, hội đồng kiểm soát PDO cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với việc dán nhãn phân loại SP và các yêu cầu và truy xuất nguồn gốc.

Chuỗi sản xuất Iberian cũng tuân thủ các quy định chung của luật pháp như các CCU thịt lợn khác. Trong đó, có các quy định quan trọng theo hệ thống luật của Ủy ban Châu Âu về chăm sóc thú y, chất lượng, an toàn và môi trường và các quy định của QLNN đối với chất lượng trong chăn nuôi và sản xuất thịt, đáp ứng các quy định của địa phượng về bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, mỗi một PDO có thể có những quy định riêng hoặc một vài DN trong chuỗi cũng áp dụng các HTQTCL và chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý như ISO 9000, ISO 22000 và tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14000. Ngoài ra, về cơ chế trao đổi thông tin: Có 3 quy định quan trọng về trao đổi thông tin trong chuỗi, bao gồm: (1) Chất lượng của SP thịt Iberian; (2) Đăng ký về nguồn gốc, xuất xứ; (3) Các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Hội đồng kiểm soát đóng vai trò như một nhà kết nối trung gian giữa các thành viên khác nhau trong chuỗi. Hội đồng kiểm soát cũng quản lý bốn cơ sở chứng nhận và một danh sách các lò mổ để chứng nhận các SP và các thành viên của chuỗi.

Các cơ sở chứng nhận này được cập nhật thông tin thường xuyên bởi các bác sỹ thú y và chuyên gia kỹ thuật, những người thường có những chuyến thăm quan, giám sát và tư vấn kỹ thuật để duy trì và ĐBCL của các thành viên trong chuỗi. Tại các lò mổ, các SP sẽ được dán tem với một nhãn để đảm bảo rằng SP được chứng nhận phù hợp chất lượng của đùi lợn muối Iberian, mang chỉ dẫn PDO Guijuelo. Mẫu tem này được kiểm soát bởi hội đồng kiểm soát và được đánh số. Bên cạnh đó, các SP cũng được gắn một ‘band’ thể hiện mức chất lượng cụ thể để cung cấp thông tin rõ ràng cho KH.

1.2 Kinh nghiệm tổ chức chuỗi cung ứng thịt bò theo hình thức liên kết chiến lược ở Anh và Braxin

Liên kết chiến lược trong CCU thịt bò mang nhãn hiệu Angus- Braxin

Đây là một liên kết dọc theo CCU bao gồm Hiệp hội chăn nuôi bò Angus, công ty lò mổ Mercosul và chuỗi siêu thị Zaffari ở Braxin. Mục tiêu chính của liên kết là gia tăng giá trị cho SP dựa trên việc phát triển thương hiệu và tạo ra những khác biệt cho SP thịt bò của chuỗi.

Chương trình này cố gắng hướng tới một hệ thống ĐBCL chung từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến cho đến thương mại hóa SP thịt bò với tiêu chuẩn chất lượng cao. Các đặc trưng để phân biệt SP thịt bò của liên minh là: Các tiêu chuẩn về động vật (như độ tuổi, cho ăn, dinh dưỡng), chứng nhận về nguồi gốc xuất xứ được đảm bảo bởi Hiệp hội bò Angus Braxin, cung cấp các thông tin liên quan cho NTD (như thông tin về dinh dưỡng, hạn sử dụng, kiểm tra thú y) bên cạnh việc ĐBCL nhãn hiệu. Để tăng cường mối quan hệ giữa các nhà chăn nuôi của Hiệp hội với các lò mổ trong liên kết, các lò mổ phải trả một khoản tiền nhất định cho chất lượng của SP theo một hợp đồng tài chính cứ 3 tháng/1 lần.

Với chiến lược này, giúp phân biệt các hộ nuôi bò này với các đối thủ cạnh tranh là các trang trại nuôi bò khác trong trong vùng đồng thời giảm rủi ro về việc các trang trại chăn nuôi bán bò cho các lò mổ khác. Liên kết cũng thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ địa phương. Sau 6 tháng kể từ khi bắt đầu quá trình chứng nhận, một chuỗi bán lẻ đã tham gia vào liên kết. Trong giai đoạn tiếp theo, các thỏa thuận hợp tác được thương lượng như các điều kiện kinh doanh, xác định nhãn hiệu, phạm vi thị trường cũng như thiết lập các tiêu chuẩn cho SP. Tháng 02/2004, SP đã có mặt trên các giá hàng của các siêu thị. Sau đó, một nhãn hiệu mới được sở hữu bởi chính hệ thống siêu thị Zaffari cho SP thịt bò là Angus Zaffari Beef được đưa vào sử dụng cùng với các yếu tố nhận diện thương hiệu khác như tên, logo và các yếu tố truyền thông được phát triển dựa trên nỗ lực chung của tất cả các thành viên tham gia liên kết. Cho đến nay, liên kết này được xem như một liên kết chiến lược tiên phong khá thành công ở thị trường Braxin, với sản lượng sản xuất hơn 1000 tấn thịt bò được chứng nhận là Angus Beef năm 2003 với sự gia tăng sản lượng liên tục qua các năm. Đồng thời, với số trang trại tham gia ban đầu chỉ có 8 thì đến tháng 12/2005 đã có 250 hộ/trang trại chăn nuôi cam kết tham gia.

Liên kết chiến lược trong CCU thịt bò Angus - Anh

Vào năm 2000, liên kết chiến lược chính thức được hình thành. Đây là một liên kết dọc theo CCU bao gồm các trại chăn nuôi hữu cơ Organic Aberdeen Angus (Fordel Angus), công ty chuyên về GM Dovecote Park và chuỗi siêu thị Waitrose ở Vương quốc Anh. Devocote Park là một DN hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến. Họ đã cung ứng SP thịt bò hữu cơ cho chuỗi siêu thị Waltrose từ 10-15 năm trước khi các trang trại Fordel Angus tham gia vào liên kết để thúc đẩy sự gia tăng giá trị và lợi nhuận cho các bên trong liên kết. Tất cả các SP thịt bò được cung ứng tại chuỗi siêu thị Waitrose đều được chăn nuôi theo phương pháp đặc biệt ở các trang trại và hộ chăn nuôi được lựa chọn ở Anh - những đối tác có mối quan hệ hợp tác dài hạn với Waitrose. SP thịt bò hữu cơ mang nhãn hiệu Waitrose là một loại SP đạt tiêu chuẩn chất lượng cao thị trường Anh. Nó được sản xuất từ hàng loạt các trang trại đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ đăng ký tại Anh (UKROFS). Chăm sóc sức khỏe vật nuôi được ưu tiên cao và vật nuôi phải được cho ăn theo một chế độ được phê duyệt trong UKROFS. Bò sau đó được giết mổ và được cho vào túi hút chân không để giữ được hương vị và độ mềm.

Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi cung ứng thịt bò cho chuỗi siêu thị này cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn được thiết lập bởi ABM (Assured British Meat). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có sự thanh tra thường xuyên để đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn chất lượng. Cũng theo quy định của luật, tất cả các con bò phải có một thẻ chứa thông tin về quá trình chăn nuôi của chúng. Waitrose cũng đáp ứng các hệ thống nhãn của Ủy ban Môi trường, thực phẩm và nông thôn (DEFRA). Điều đó có nghĩa là tất cả các con bò của chuỗi có thể được truy xuất nguồn gốc ngược trở lại tới nhóm các nông trại chăn nuôi. Các nhà vận chuyển cho Waitrose cũng phải được phê duyệt bởi ABM với những tiêu chuẩn cao cho việc tối thiểu hóa các áp lực (stress) cho vật nuôi trong suốt quá trình vận chuyển). Khi vật nuôi đến các điểm giết mổ hoặc chế biến chúng được kiểm tra sau đó được thư giãn ở một khu vực nhất định và được cung cấp nước. Thanh tra về VSATTP cũng được thực hiện ở khâu này.

Như vậy, có thể thấy, ở cả hai liên kết được dẫn ra ở trên là đều dựa trên những đặc trưng cơ bản nhất của một liên kết chiến lược, có sự liên kết giữa các bên trong CCU dọc, liên kết được hình thành trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên, và chủ yếu là liên kết thông qua thỏa thuận hợp đồng giữa người chăn nuôi (tham gia hoặc không tham gia vào hiệp hội), các DN trong lĩnh vực giết mổ và các DN bán lẻ. Mục tiêu chính là hướng tới là gia tăng giá trị cho SP của CCU SP thịt bò của liên kết. Việc hình thành các liên kết chiến lược trong các CCU thịt bò ở Anh và Braxin cũng mang đến những lợi ích nhất định cho các thành viên tham gia như: Giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các SP thịt bò; Giúp giảm rủi ro cho tất cả các bên; Giúp tăng cường việc hỗ trợ kỹ thuật, KSCL và VSATTP; Tăng cường trao đổi thông tin, cải tiến kỹ thuật và đổi mới, cập nhật công nghệ quản lý, sản xuất; Tạo thêm giá trị gia tăng và lợi nhuận.

2. Bài học kinh nghiệm và định hướng giải pháp phát triển các liên kết chiến lược trong các chuỗi cung ứng ngành hàng thịt ở Việt Nam

2.1 Bài học kinh nghiệm từ các chuỗi cung ứng thành công trên thế giới cho việc phát triển các liên kết chiến lược trong các chuỗi cung ứng ngành hàng thịt ở Việt Nam

Qua nghiên cứu, tìm hiểu một số bài học kinh nghiệm tổ chức các CCU thịt theo hướng liên kết chiến lược thành công trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau cho việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển các liên kết chiến lược cho các CCU ngành hàng thịt ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, có thể thấy một trong những mô hình hiệu quả và thành công đã và đang được áp dụng ở các nước phát triển cho các CCU ngành hàng thịt là việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo những nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý riêng biệt, đồng thời thiết lập các liên kết chiến lược từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm hình thành nên các mô hình liên kết chuỗi bền vững. Với việc hình thành các hệ thống liên kết chiến lược, các hoạt động phối hợp giữa các thành viên trong chuỗi được thực hiện một cách có tổ chức, có tính hệ thống và đạt hiệu quả cao. Hệ thống được điều hành thông qua một nhà phối hợp mạng lưới, đây là một hội đồng/ ủy ban của các thành viên trong chuỗi đóng vai trò là đơn vị lãnh đạo và điều hành theo chiến lược chung. Nhà phối hợp mạng lưới này không chỉ xây dựng các chiến lược và mục tiêu chung cho toàn chuỗi mà còn thiết lập các quy định, tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm và quy trình.

Đồng thời, đơn vị phối hợp này cũng đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật và hoạt động nhằm kiêm soát và đảm bảo chất lượng của các thành viên; quy định cơ chế trao đổi thông tin và truyền thông, quy định các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng và có thể bao gồm cả hoạt động chứng nhận chất lượng cho SP của chuỗi.

Thứ hai, sự thành công của các hệ thống liên kết chiến lược phụ thuộc lớn vào việc lựa chọn cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi. Với những cơ chế liên kết, phối hợp mang tính chiến lược như hình thành nên các hệ thống liên kết thì các tổ chức không hoạt động một cách độc lập mà chịu sự chi phối rất lớn từ hệ thống liên kết ngay từ trong quá trình sản xuất với việc thiết lập các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng cũng như sự giám sát và thậm chí là hỗ trợ về nguyên vật liệu, về tài chính, về kỹ thuật từ các đối tác trong liên kết. Những liên kết bậc cao như vậy thường tạo ra mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền chặt, dẫn đến sự tin tưởng và trung thành, hướng tới việc gia tăng giá trị, chia sẻ lợi ích và cả những rủi ro giữa các thành viên.

Thứ ba, các thành viên tham gia vào chuỗi vừa phải có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt mọi chính sách và yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng chung của hệ thống liên kết đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác của chuỗi trong việc xây dựng và duy trì hệ thống. Để đảm bảo sự thống nhất và tuân thủ hệ thống liên kết, các CCU và các thành viên phải xác định các yêu cầu và quy định kỹ thuật cũng như lựa chọn các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chung. Các thành viên cũng cần nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và chịu sự giám sát chặt chẽ từ các thành viên khác hoặc từ hệ thống. Những thành viên vi phạm những chính sách và yêu cầu, quy định chung theo cam kết hay tiêu chuẩn chất lượng cần bị xử lý thật nghiêm thậm chí là cho ra khỏi hệ thống.

Thứ tư, hoạt động đảm bảo chất lượng, tạo lòng tin với khách hàng bên ngoài chuỗi là rất quan trọng. Hoạt động đảm bảo chất lượng có những chiến lược đa dạng, phối hợp với các chiến lược về truyền thông, marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu của chuỗi. Các chuỗi đã xây dựng và phát triển những chương trình đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đầu ra của chuỗi để tạo sự nhận biết và tin tưởng đối với khách hàng cũng như tạo sự phân biệt cần thiết với những sản phẩm không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo chuỗi.

Thứ năm,việc thu thập và lưu trữ, trao đổi thông tin một cách đầy đủ và minh bạch sẽ giúp tăng cường ý thức của từng thành viên trong việc đáp ứng các yêu cầu chất lượng chung của chuỗi và của đối tác. Mặt khác, thông tin cung cấp cho khách hàng và công tác truyền thông tới khách hàng cũng là yếu tố cần thiết để tăng cường niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm của chuỗi và quá trình sản xuất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Brinkmann, D., Lang, J., Petersen, B., Wognum, N. and Trienekens, J., (2011), Towards a chain coordination model for quality management strategies to strengthen the competitiveness of European pork producers, Journal on Chain and Network Science 11.

2. Jacques Trienekens, Brigitte Petersen, Nel Wognum, Detert Brinkmann (2009), European pork chains - Diversity and quality challenges in consumer-oriented production and distribution, Wageningen Academic Publishers, The Netherlands.

3. Jiqin Han (2009), Supply chain integration quality management and firm performance in the pork processing industry in China, International chains and networks series -volume 7, Wageningen Academic Publishers, The Netherlands

4. Jon H. Hanf and Agata Pieniadz (2007), Quality Management in Supply Chain Networks - The Case of Poland, International Food and Agribusiness Management Review Volume 10, Issue 4.

5. Jon H. Hanf (2009), Challenges of a Vertical Coordinated Agri-Food, Business for Cooperatives, Journal of Co-operative Studies, 42.2, August 2009: 5-13 ISSN 0961 5784.

TS. Đặng Thu Hương

Trường Đại học Thương mại

Tạp chí in số tháng 7/2023

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển chuỗi cung ứng để cải thiện mạng lưới thương mại cho nông sản
Phát triển chuỗi cung ứng (CM) và cải thiện mạng lưới thương mại (TN) cho nông sản (TN-ap) được nước muốn thông qua xuất khẩu nông sản để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Ở Việt Nam, dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng các hoạt động này chưa được như kỳ vọng, còn nhiều hạn chế, yếu kém bởi nhiều nguyên nhân.