Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về lý do đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu

28/10/2022, 12:07
báo nói -

TCDN - Tại phiên thảo luận sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ một số vấn đề của các đại biểu quốc hội liên quan tới tình hình cung ứng xăng dầu.

Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong phiên thảo luận tại tổ và Hội trường, nhiều đại biểu quốc hội đã quan tâm cho ý kiến về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương, đặc biệt là tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là TP Hà Nội và Tp.HCM.

Về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ những nỗi băn khoăn của các đại biểu quốc hội.

Theo Bộ trưởng, xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu. Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, ngành Công Thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong quyết sách cấp trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy. Đặc biệt tại thời điểm đầu tháng 10 cả nước còn 3 triệu m3 dầu đủ nguồn cung cho tới hết tháng 11 chưa kể còn doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu.

Lý giải về nguyên nhân, theo Bộ trưởng ngoài những nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao…, nguyên nhân chủ quan do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận vốn và bảo lãnh của ngân hàng, room hẹp, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi liên tục… khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ chưa tính được đầy đủ trong giá cơ sở khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì không lấy đâu ra chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ tạo nên sự đứt gãy ở một số nơi…

Cũng trong thời điểm này các lực lượng đã đấu tranh triệt phá thành công một số vụ buôn lậu làm giả xăng dầu tới hàng chục nghìn m3 nên cũng ảnh hưởng.

Đáng chú ý, Tp.HCM và các tỉnh phía Nam là nơi có nhiều thương nhân phân phối 146/332 thương nhân phân phối cả nước. Theo khảo sát của Bộ Công Thương nhiều thương nhân phân phối ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng việc mua hàng thường xuyên không thực hiện nên doanh nghiệp đầu mối không chủ động được nguồn hàng trong kỳ cho hệ thống của mình.  Khi khan hàng các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình đương nhiên sẽ không còn cơ hội và làm cho sự đứt gãy ở một số nơi.

Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.

Đồng thời, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời. Khẩn trương triển khai được rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Tại phiên thảo luận sáng 28/10, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đặt vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. 2 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, Tp.HCM.

Theo bà Yến, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

“Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan”, đại biểu Yến nói.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về lý do đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ “nóng” trên nghị trường Quốc hội
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, thiếu xăng dầu cục bộ đặc biệt ở các tỉnh phía Nam đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 27/10. Đại biểu kiến nghị tính toán lại giá phù hợp thực tế và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá.
Đề xuất ủy quyền cho UBTVQH xem xét cắt giảm thuế, phí xăng dầu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) cho rằng, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế GTGT, thuế TTĐB để kiểm soát lạm phát nhanh nhất.
Yêu cầu 2 Bộ Công Thương, Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ổn định, hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.