Triển vọng ngành Logistics Việt Nam năm 2022

28/10/2022, 11:07

TCDN - Bằng các phương pháp nghiên cứu định tính như: phân tích tổng hợp, thống kê mô tả, so sánh, bài viết phân tích thực trạng ngành logistics Việt Nam trong năm 2021, dự báo những triển vọng trong năm 2022 và đưa ra một số kiến nghị nhằm phục hồi ngành logistics Việt Nam trong trạng thái bình thường mới của đại dịch COVID-19.

4-1

Tóm tắt

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành nghề trongcơ cấu kinh tế của Việt Nam và dịch vụ logistics cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác như: vận tải hành khách, hàng không, du lịch, thì sự ảnh hưởng của đại dịch đối với ngành logistics không quá tiêu cực. Bằng các phương pháp nghiên cứu định tính như: phân tích tổng hợp, thống kê mô tả, so sánh, bài viết phân tích thực trạng ngành logistics Việt Nam trong năm 2021, dự báo những triển vọng trong năm 2022 và đưa ra một số kiến nghị nhằm phục hồi ngành logistics Việt Nam trong trạng thái bình thường mới của đại dịch COVID-19.

1. Giới thiệu

Khái niệm hậu cần (logistics) ra đời từ những năm 1950, là hoạt động vận chuyển, lưukho và cung cấp hàng hóa. Trong kinh doanh, logistics có thể hiểu là sự tập trung của cả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài bao gồm cả quá trình chuyển từ “người sản xuất”, qua nhiều giai đoạn và đích đến là “người tiêu dùng cuối cùng”. Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, sản phẩm trong quy trình, thành phẩm và các thông tin liên quan từ khâu thu mua nguyên vật liệu đến khi tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nói một cách đơn giản hơn, logistics là các hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa… Dựa theo quá trình hoạt động, logistics chia ra làm ba loại: (i) logistics đầu vào gồm những hoạt động mang tính “thu thập” như: tiếp nhận và lưu trữ nguyên vật liệu đầu vào từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp, đảm bảo các yếu tố đầu vào được cung ứng một cách tối ưu về thời gian, giá trị và chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất; (ii) logistics đầu ra là các hoạt động liên quan đến việc dịch chuyển hàng hóa từ điểm cuối cùng của dây chuyền sản xuất đến khách hàng, thông qua các kênh phân phối (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến tay người tiêu dùng; (iii) logistics “ngược” gồm các hoạt động của quá trình thu hồi lại sản phẩm lỗi, phế phẩm, phế liệu… phát sinh sau khi phân phối sản phẩm để tái chế hoặc xử lý.

Tại Việt Nam, ngành logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trìnhhoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, ngành logistics có nhiều sự biến động vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Bằng các số liệu thứ cấp từ Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương (đây là báo cáo thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan... góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics) và số liệu từ các bài báo trên website chính thống ở Việt Nam, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp so sánh để đánh giá thực trạng ngành logistics Việt Nam năm 2021, dự báo những triển vọng trong năm 2022 và đề xuất các kiến nghị nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.

2. Thực trạng

2.1. Những kết quả đạt được

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăngtrưởng tạo nên nguồn cầu dịch vụ logistics phục vụ xuất - nhập khẩu, hiện có hơn 4.000doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Theo Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020, trong năm 2021 nhiều doanh nghiệp ngành logistics tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, hầu hết có mức tăng hai con số. Minh chứng rõ nhất là do kinh tế trong nước dần phục hồi trở lại dẫn đến hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng năm 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng năm 2021 ước đạt lần lược 68,1 triệu tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ và 265 triệu tấn giảm 3,2% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm 4,2% và 11,6% trong 10 tháng năm 2020. Đáng chú ý, tổng trọng tải tàu biển tăng mạnh 22% so với cùng kỳ (Minh Anh, 2021).

Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành logistics do Vietnam Report (công ty tiên phongtrong lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam) thực hiện trong tháng 11/2021 cho thấy, 80% số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với năm 2020, thậm chí 83% số doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Khi phân tích sâu hơn, Vietnam Report nhận thấy bức tranh kinh tế ngành logistics năm vừa qua có sự phân hóa nhất định.

Đầu tiên là sự phân hóa theo quy mô. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp đã bào mòn sức chống chịu của đại bộ phận doanh nghiệp logistics. Tác động chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – bộ phận chiếm hơn 90% số doanh nghiệp toàn ngành. Trong khi đó, tác động tiêu cực đối với những doanh nghiệp lớn được hạn chế bớt nhờ vị thế thị trường và nền tảng vốn vững chắc. Không những vậy, sự rút lui của một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần. Theo đó, đại dịch góp phần đẩy nhanh quá trình phân cực giữa những doanh nghiệp dẫn đầu với nhóm còn lại trong ngành. Tiếp theo là sự phân hóa theo nhóm ngành hoạt động (Tiền Phong, 2021).

Bên cạnh đó, số liệu từ Cục Hàng hải cũng cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng rất tích cực, ước đạt hơn 22 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (Minh Đức, 2021). Báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, kết thúc Quý III/2021, nhóm hỗ trợ vận tải (giao nhận, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối…) ghi nhận kết quả tích cực hơn hẳn nhóm vận tải hàng hóa và khai thác cảng. Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn (Như Loan, 2021).

Báo cáo chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Đây là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của chỉ mục và Việt Nam đã thay thế vị trí của Thái Lan trong top 10 (Lê Minh Hương, 2021). Trong đó, Trung Quốc xếp vị trí số 1, Ấn Độ xếp vị trí thứ 2, Indonesia ở vị trí thứ 3. Quatar và Thổ Nhĩ Kỳ xếp sau Việt Nam ở vị trí thứ 9 và thứ 10. Trong số các nước ASEAN, Indonesia xếp ở vị trí thứ 3, Malaysia ở bậc 5, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 11, Philippines ở vị trí thứ 21, Campuchia ở vị trí thứ 41. Theo Agility, Việt Nam là một trongnhững quốc gia thành công nhất trên toàn cầu về việc đối phó với đại dịch COVID-19. Mức tăng 3 hạng của Việt Nam lên vị trí thứ 8 là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của chỉ mục và thay thế khu vực Thái Lan trong top 10 (Thanh Hằng, 2021).

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

Các cuộc khảo sát của Vietnam Report gần đây cho thấy, ngành logistics Việt Nam hiệnnay đang phải đối mặt với hai lực cản lớn. Lực cản đầu tiên là những vấn đề cố hữu của ngành tồn tại từ trước khi đại dịch xuất hiện, bao gồm: (1) chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực; (2) hạ tầng giao thông chậm phát triển, chưa tương xứng với lợi thế địa lý; (3) hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và nhất quán; (4) mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp; và (5) nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Lực cản thứ hai và cũng nghiêm trọng hơn, chính là những khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của đại dịch, thể hiện ở (1) mất cân đối cung - cầu; (2) thiếu lao động; và (3) điều kiện hoạt động. Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có vùng dịch. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, do phía cung cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể (VNR, 2021).

Thiếu lao động cũng là một trong những thách thức hàng đầu của gần 54% số doanhnghiệp logistics hiện nay, theo khảo sát của Vietnam Report. Đại dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với những giai đoạn giãn cách xã hội và phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến cho tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng hơn. Số liệu cho thấy, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam trở về các địa phương. Nhiều lao động sau khi về quê không còn muốn trở lên thành phố làm việc, cho dù các nhà máy đã cố tìm cách “giữ chân” bằng mức lương và phúc lợi xã hội tốt hơn. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, quy mô nhân sự của gần 40% số doanh nghiệp trong ngành hiện đã giảm so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Trong khi đó, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là giai đoạn mà nhu cầu hàng hóa tăng cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành. Hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam đang diễn ra sôi động hơn trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra cùng với xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi, bởi hạn chế của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên hoạt động M&A chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.

3. Triển vọng

Báo cáo của Technavio công bố tháng 3/2021, dự báo thị trường logistics sẽ tăng trưởngvới tốc độ 1,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 (Thanh Thư, 2021). Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 gần đây cùng sự xuất hiện của các biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh hơn, khó lường hơn như Delta và Omicron, theo đánh giá của UNCTAD, năm 2022 vẫn sẽ là một năm bất định đối với thương mại toàn cầu, theo đó, triển vọng ngành logistics toàn cầu trong năm tới vẫn còn là một ẩn số. Dẫu vậy, logistics vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội nhờ các ngành công nghiệp phụ trợ, chế tạo ô tô, linh kiện điện tử và chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm. Đòn bẩy thúc đẩy logistics còn đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Sau những ảnh hưởng do COVID-19, tín hiệu thị trường vào những tháng cuối năm cho thấy bức tranh tươi sáng của ngành logistics Việt Nam trong tương lai gần.Điểm sáng nổi bật nhất của ngành chính là hoạt động chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối (last mile delivery). Đây là hoạt động vận tải hàng hóa từ trung tâm phân phối/kho lưu trữ hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng. Chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hóa, sự chuyển dịch của dòng hàng ở khâu cuối cùng này đang dần đóng vai trò quyết định trong trải nghiệm khách hàng đối với dịch vụ của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nhà bán lẻ trong thời đại của thương mại điện tử (e-commerce) và tiếp thị đa kênh (omni-channel).

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam hiện có quy mô lên đến 560 triệu USD (Đỗ Thị Thúy, 2020). Đáng chú ý, các công ty thương mại điện tử lớn hiện nay đang dần xây dựng hệ sinh thái của mình, trong đó e-logistics là một trụ cột quan trọng. Thị trường đang trở nên năng động hơn, môi trường cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Các startup với sự hỗ trợ từ các khoản vốn đầu tư mạo hiểm, đang cố gắng xâm nhập vào thị trường logistics với các nền tảng (platform) công nghệ cao, không đòi hỏi tài sản, được thiết kế để khai thác triệt để năng lực sẵn có trên thị trường. Còn các doanh nghiệp truyền thống đang tiếp tục củng cố sức mạnh thông qua việc mở rộng chuỗi cung ứng và nỗ lực đầu tư cho chuyển đổi số, từ đó góp phần “thay da đổi thịt” ngành logistics Việt Nam. Động lực tăng trưởng ngành logistics còn đến từ quá trình chuyển đổi số. Đây là quá trình thay đổi mô hình truyền thống sang mô hình số hóa bằng việc áp dụng các công nghệ như: điện toán đám mây (Cloud computing) và dữ liệu lớn (Big data). Xu hướng chuyển đổi số đã hình thành từ lâu nhưng trong bối cảnh COVID-19, dưới những thay đổi mang tính bắt buộc như giãn cách xã hội hay làm việc tại nhà, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải tìm đến các giải pháp chuyển đổi số để duy trì hoạt động của mình. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 100% số doanh nghiệp logistics đã gia tăng đầu tư cho chuyển đổi số trong một năm trở lại đây, trong đó, 86% số doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ, số hóa và chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích đáng kể về năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai; 36% số doanh nghiệp tin rằng, việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu; khoảng 68% số doanh nghiệp logistics đã triển khai ứng dụng tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh như: Internet vạn vật kết nối – IoT (86%), điện toán đám mây – Cloud computing (82%), trí tuệ nhân tạo – AI (45%), dữ liệu lớn – Big data và khối chuỗi, Blockchain (42%)…(Minh Đức, 2021).

Lợi ích của chuyển đổi số đối với ngành logistics còn thể hiện ở việc cải thiện khả năngdự báo của chuỗi cung ứng trong môi trường hậu COVID-19. Tính chất bất ngờ không thể đoán trước của đại dịch cho thấy chuỗi cung ứng không được trang bị đầy đủ để đối phó với những gián đoạn đối với các quy trình thông thường. Để trở nên linh hoạt hơn, ngành logistics phải sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu. Dữ liệu luân chuyển tự do trong một hệ sinh thái chuỗi cung ứng được chia sẻ cho phép hiển thị đầy đủ và minh bạch về quá trình di chuyển của hàng hóa. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như một cơn bão lớn xảy ra sớm hơn dự đoán, sẽ không còn là thảm họa đối với hành trình giao hàng, mà là cơ hội để định tuyến lại luồng hàng hóa trên khắp thế giới và vẫn đến đúng giờ.

4. Một số kiến nghị

Để phục hồi ngành logistics Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19 và thíchứng với trạng thái bình thường mới, bài viết đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực logistics; đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường không), cho từng vùng, miền, địa phương. Cùng với đó, triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics.

Hai là, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kếtcấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả. Nghiên cứu để quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính.

Ba là, cần ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triểnlogistics. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thủy nội địa… Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên cả nước; mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics.

Bốn là, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hộinhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Năm là, tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Cáctrường đại học cần nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thànhlập khoa logistics; công nhận chuyên ngành đào tạo logistics. Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề triển khai đào tạo nghề liên quan đến logistics.

Đồng thời, hợp tác với các tổ chức đào tạo nước ngoài tiến hành các khóa đào tạo dựa trên thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện nhân lực về logistics.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2021), Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021, NXB Công Thương, Hà Nội.

2. Đỗ Thị Thúy (2020), Logistics với thương mại điện tử trong thời đại số, http://consosukien.vn/logistics-voi-thuong-mai-dien-tu-trong-thoi-dai-so.htm, truy cập ngày 17/02/2022.

3. Minh Anh (2021), Ngành logistics Việt Nam muốn phát triển nên tập trung cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng, https://kinhtedothi.vn/nganh-logistics-viet-nam-muon-phat-triennen-tap-trung-cung-cap-dich-vu-co-gia-tri-gia-tang.html, truy cập ngày  17/02/2022.4. Minh Đức (2021), Triển vọng sáng cho ngành logistics Việt Nam, https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/doanh-nghiep-thi-truong/trien-vong-sang-cho-nganh-logistics-vietnam, truy cập ngày 18/02/2022.

5. Như Loan (2021), Các doanh nghiệp logistics đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịchCOVID-19, https://baodautu.vn/cac-doanh-nghiep-logistics-doi-mat-voi-nhieu-khokhan-do-dai-dich-COVID-19-d157751.html, truy cập ngày 17/02/2022.

6. Lê Minh Hương (2021), Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, https://vst.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/r/m/nckh/ctnc/nckhctnc_chitiet?dDocName=MOFUCM203797&dID=212793&_afrLoop=19878116979995781#%40%3FdID%3D212793%26_afrLoop%3D19878116979995781%26dDocName%3DMOFUCM203797%26_adf.ctrlstate%3Dlqfdebxdv_4, truy cập ngày 17/02/2022.

7. Thanh Thư (2021), Thị trường logistics sẽ đạt hơn 77 tỷ USD trong năm 2025, https://vnexpress.net/thi-truong-logistics-se-dat-hon-77-ty-usd-trong-nam-2025-4367855.html, truy cập ngày 18/02/2022.

8. Thanh Hằng (2021), Việt Nam vào tốp đầu chỉ số logistics thị trường mới nổi, https://baochinhphu.vn/viet-nam-vao-top-dau-chi-so-logistics-thi-truong-moi-noi-102288233.htm, truy cập ngày 18/02/2022.

9. Tiền Phong (2021), Góc nhìn toàn cảnh ngành logistics và top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2021, https://tienphong.vn/goc-nhin-toan-canh-nganh-logistics-top-10-cong-ty-uy-tin-nganh-logistics-nam-2021-post1402052.tpo, truy cập ngày 18/02/2022.

10.VNR (2021), Ngành logistics Việt Nam đối mặt với nhiều lực cản, https://vietnamreport.net.vn/Nganh-logistics-Viet-Nam-doi-mat-voi-nhieu-luc-can-10131-1006.html.

TS. Lê Văn Tuyên

Học viện Kỹ thuật Quân sự

Tạp chí in số 8/2022
Bạn đang đọc bài viết Triển vọng ngành Logistics Việt Nam năm 2022 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan